Câu chuyện tôi muốn nói dưới đây có lẻ là chủ đề đã cũ, rất cũ và có thể sẽ luôn cũ, nhưng cứ mãi len lỏi, ngang nhiên gây bức bối trong các gia đình người Việt chúng ta.
Nội dung chính
Những câu không nên hỏi
Tôi nghe nhiều người thân xung quanh mình kể trong bức xúc, kể cả bản thân tôi cũng vậy. Những lần đi học, đi làm ở xa về quê thăm nhà, háo hức lắm, vui tươi lắm, mong chờ lắm lắm. Đặt chân đến cửa là tôi chạy ùa vào nhà để nhìn thấy ruột thịt mình trông như thế nào sau từng ấy ngày tháng xa xôi, mọi thứ vướng bận bỗng nhiên được quăng đi bằng sạch. Cảm giác ở xa thật lâu trở về, gặp lại những người thân, người quen, hàng xóm láng giềng, mọi người có những đổi khác và vẫn khoẻ mạnh thì thấy thật mừng.
Nhưng câu chuyện đâu có dừng ở niềm hân hoan đó, mới chỉ ở ánh nhìn đầu tiên, nhiều người đã hỏi đã thăm rất vội vàng:
– Dạo nay sao gầy/béo thế? (câu này vẫn không sao hết)
– Lương tháng nhiều không, có được tăng lương không? (như thế nào là nhiều, tăng là tăng như thế nào, so với thời điểm nào)
– Sao không dẫn người yêu về. Giờ này còn chưa chịu cưới xin gì, đến khi nào mới lấy…?
Tôi không biết đặt vào tình huống như vậy, mọi người phản ứng như thế nào. Còn tôi, dễ thường tôi hay cười, nụ cười từ tươi rói đến gần như méo xệch dần và tắt hẳn.
- Những món quà chắc chắn sẽ khiến bạn gái hạnh phúc vào ngày quốc tế phụ nữ 8/3
- Quà tặng valentine cho bạn gái khi ở xa
- Triệu hồi 500 bà mẹ bàn về quà tặng 20/11 cho cô giáo của con ahihii
- shop bán sô cô la valentine ngày tình nhân 14-2 làm quà cho bạn gái tại Yên Bái
- Cửa hàng bán sô cô la valentine ngày tình nhân 14-2 làm quà cho bạn gái tại Vĩnh Phúc
Chị bạn tôi cũng có lần bức bối kể lại: dịp năm mới Tết đến, người hàng xóm sát vách, năm nào cũng canh chị lúc về thăm nhà, hỏi thăm những câu đã cũ rích cũ rác và lặp đi lặp lại đó. Mọi khi chị đều cười cho qua, rồi bẻn lẻn tế nhị vào phòng cho người lớn chuyện trò. Đến lần này, chị quyết ở thế chủ động, mới gặp người hàng xóm đó, chị liền hỏi ngay:
– Năm nay con cô có về thăm không?
– Lương con cô giờ bao nhiêu, có gửi về cho cô nhiều không?
– Con cô được thăng chức chưa?
– Rồi khi nào con cô lấy chồng?
Bình thường cô hỏi người khác đon đả và nhanh nhảu là thế, nay được hỏi lại thì cô bỗng im bặt một cách lạ lùng và kì lắm lắm, nét mặt cô dần tái đi. Hay là cô đang bị đau họng, đau miệng không nói được chăng. Từ đó, không thấy cô ấy hỏi chị nữa. Hôm chị dẫn người yêu về ra mắt mọi người, chị quyết tâm đi qua nhà cô ấy bằng được để giới thiệu, nhưng trùng hợp thay, nhà cô đã chuyển đi nơi khác sống luôn rồi.
Rồi chị quay qua dặn tôi chân thành, sau này ai hỏi em như thế, thì em cứ hỏi lại y chang như vậy, hoặc nhiều hơn nữa, không gì phải ngại hay nể nang. Rồi bỗng dưng người ta sẽ không bao giờ hỏi nữa đâu.
Vô hình chung sự im lặng ở nhiều trường hợp sẽ có hại, với tình huống trên trước tiên là thiệt cho mình. Tiếp đến sẽ làm cho ngọn lửa tò mò, soi mói được thổi mạnh và bùng lên rồi cứ thế ngày một lan rộng thêm. Lạ thay…
Tôi cũng vẫn thích sống trong môi trường mà mọi người quan tâm hỏi han nhau, nhưng thật lòng và đầy ý tứ. Quan tâm thành thật thì hỏi thăm cũng cần tế nhị và tử tế. Những lời hỏi thăm thực sự mang ý nghĩ đóng góp hay chân thành sẽ dễ chịu và làm người nghe sẽ cởi mở trả lời.
Nói quan tâm mình, mà năm nào cũng hỏi những câu đó, rồi lấy đó làm chủ đề đem đi bàn tán, xì xào từ đầu ngõ đến cuối ngõ, ngồi lê đôi mách, từ người này qua người khác, còn nhanh hơn cả loa phường. Vậy là không phải quan tâm mình rồi, vậy là tò mò, là soi mói, là ghét mình rồi.
Phải không!
Thực tế, tôi không để tâm nhiều đến những câu chuyện phiếm tầm phào, thiếu tế nhị, dòm ngó vụn vặt. Tôi chỉ chăm chú thực hiện những mục tiêu mà bản thân đang đặt ra và làm tốt việc của mình. Ông bà ta thường nói: “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Khi câu chuyện bắt đầu, trao đổi giữa người và người được hình thành, sẽ tạo sự gần gũi thân mật giữa người với người, kết nối nhau lại gần hơn. Nhưng nếu, “mượn chuyện làm quà”, gặp đâu đánh đó, gặp gì hỏi đó, tám đủ chuyện trên trời dưới đất, tò mò và xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác. Như vậy, sự quan tâm sẽ trở nên xấu đi và lệch lạc.
Giống như một buổi hòa nhạc với khán giả thật đông đúc đang xem màn biểu diễn của những người nghệ sỹ, có người tán thành, có người chê bai, có người yêu mến, có người không thích. Nhưng đâu biết rằng, những người nghệ sỹ ấy đã và đang làm rất nhiều điều, nổ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhất có thể tiết mục của mình. Thì những người quen, người biết chúng tôi cũng chỉ nhìn thấy chúng tôi đang với những biểu hiện bề ngoài như vậy, như những quý vị khán giả trong buổi hòa nhạc ấy vậy, đằng sau câu chuyện là gì các vị không thể thấu hết.
Khi những người trẻ chúng tôi đang từng ngày từng giờ đấu tranh và lao động, vất vả và cực nhọc, chạy đua với thời gian để làm thật tốt, mong sao mọi thứ trở nên hoàn hảo nhất cho cuộc đời mình cũng như vì tương lai của con cái sau này, để đạt được những thành quả đóng góp cho gia đình, xã hội. Thì những người không can dự, những người là quen biết, có cả thân thuộc, tự cho mình là có liên quan đến cuộc đời chúng tôi, đã và đang làm gì? Có giúp chúng tôi thêm động lực vượt khó, có cùng tham gia, động viên chúng tôi khi ngàn trùng gian nan, thậm chí có từng pha giúp chúng tôi tô mỳ gói khi đói, hay cho một ly nước khi khát không? Nếu không, vui lòng đừng bỗng dưng một ngày gặp mặt mà buông lời “hỏi han” vô ý tứ, đừng bĩu môi lép bép nói sau lưng những câu từ chẳng hay ho phát ra trên khuôn miệng xinh đẹp. Khi đó sẽ không còn đẹp, mà trở nên xấu vô cùng.
Những khi chúng tôi cần nghỉ ngơi và dành thời gian sắp xếp ổn thỏa cho cuộc sống, thì các quý vị khán giả “nhiều chuyện” đang đối xử với chúng tôi bằng cách: phán xét và bàn tán, trách móc và chê bai. Chúng tôi làm việc gì phải có trách nhiệm báo cáo chi tiết cho các vị sao? Hãy lo cho thật tốt cuộc sống của các vị, cho gia đình các vị. Thời gian rảnh rỗi, hãy đọc nhiều sách, xem những chương trình truyền hình bổ ích để học về những điều hay khắp nơi trên thế giới. Hãy nghĩ xem hôm nay nấu món gì cho hợp khẩu vị mà không bị cháy khét, hãy quyét dọn nhà cửa tinh tươm, ngăn nắp và hãy thường xuyên dọn dẹp trong khối óc của mình cho thật sạch y như là mong nhà mình luôn sạch rác vậy. Như vậy là chúng tôi đã rất cám ơn, vì chúng tôi đang được sống trong một môi trường trong lành và văn minh. Chúng tôi không cần những câu hỏi han quan tâm xưa cũ, vì bản thân chúng tôi biết mình đã đang và sẽ phải làm gì để được hạnh phúc nhất. Thực tế, chúng tôi không mong gì ở các quý vị, chỉ mong chúng ta thân quen thì hãy giữ đúng chừng mực ấy, đôi khi chỉ cần một lời động viên thực lòng thôi, rằng: “Cháu đã vất vả rồi”. Chúng tôi sẽ sẵn sàng đón nhận và hòa nhã. Tết về sẽ hớn hở ghé thăm hàng xóm, những người thân, đem chút quà bánh nếu có hoặc sẽ giúp lau rửa lá dong gói bánh chưng xanh, sẽ góp ít củi đun lửa, chia sẻ những điều nhỏ bé trong cuộc sống thường nhật, để không khí ngày Tết thêm ấm cúng và chan hòa.
Hãy là các quý vị khán giả, người thân “văn minh”, để quý vị không chỉ đẹp bên ngoài mà còn đẹp về tâm hồn nữa. Thực tế, các quý vị có “hỏi thăm” ngàn lần “không ý tứ” như vậy, cũng không làm ảnh hưởng đến mục tiêu hay cuộc sống của chúng tôi mấy đâu. Chỉ có điều là, quý vị đã là những vị khán giả thật xấu tính và nhiều chuyện trong lòng chúng tôi.
Mong gia đình, những người thân thương nhất là chỗ dựa tinh thần vững chắc cũng đã đủ giúp chúng con yên lòng, toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt vai trò của mình cũng như bổn phận làm con cháu. Rất mong các bậc phụ huynh hãy nhìn thoáng ra và cởi mở, hiểu cho những điều mà chúng con đang phải hoàn thiện. Cha mẹ, ông bà thương con cháu bao nhiêu, con cháu cũng sẽ thấu hiểu và mong được đền đáp lại công ơn bấy nhiêu. Nhưng, lớp trẻ chúng con còn đang có nhiều trăn trở và trọng trách trên vai, hãy tin và để chúng con được sống, được thở trong không khí gia đình ấm cúng, được cảm thông và thấu hiểu, được động viên và sẻ chia, vì thế giới bên ngoài đã có rất nhiều áp lực nặng trĩu rồi.
Đất nước đã từng chìm sâu trong ngàn năm bị phong kiến, đã từng bị lầm than trong các cuộc xâm lăng. Những nỗi đau ấy không thể không quên, nhưng cần lấy đó làm đòn bẩy mà vươn tới những nền văn hóa văn minh. Những lối mòn tư tưởng, những thói quen xấu, những áp đặt cũ, phong kiến xưa kia nên diệt trừ và nhổ bỏ tận gốc như là diệt cỏ rác vậy. Cỏ dại hại cây, hễ chỉ còn chút rễ là sinh sôi nảy nở rất nhanh, rất chóng mặt. Bác Hồ đã từng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước.” Thế hệ cha ông chúng ta đã giữ được nước, đem lại được hòa bình rồi. Giờ đến chúng ta hãy xây dựng đất nước, con người văn minh thì xã hội mới văn minh và phát triển, đất nước sẽ ngày một phồn vinh.
Để dần dần qua các thế hệ, những điều xấu sẽ được biến mất hoàn toàn. Người đối xử với người như là đối với chính mình, việc gì không muốn xảy ra với bản thân thì cũng không được làm vậy với người khác. Trước khi mong nhận về thì hãy trao đi, mới tốt lên được từng ngày. Môi trường sống lành mạnh và văn minh, con người sẽ không bị chôn vùi, không bị ức chế, không bị trì triết. Không ai có thể sống bình thường mà không có sự giao tiếp với xã hội, xã hội có tốt đẹp thì con người mới có thể vượt qua cả giới hạn của bản thân, làm được những điều phi thường và đóng góp lại cho xã hội. Sống ích kỉ, soi mói, dò xét, trước tiên là tự hại chính mình, tự ôm sự nhỏ nhen, vụn vặt, tầm phào vào người, sau đó đem đi lan tỏa và “tặng” lại, gây những tác động tiêu cực đến người khác. Thế hệ mai sau sẽ nhìn vào những gì chúng ta làm hôm nay, mong rằng sẽ được tự hào thật nhiều.
(Nguồn ảnh: Internet)