[Có thể bạn chưa biết] Sự tích lễ Vu Lan 15 tháng 7 Âm Lịch

Các cụ xưa có câu “Tết cả năm không bằng Rằm Tháng Bảy”. Ngày 15/7 Âm Lịch hàng năm, hay còn được gọi là Lễ Vu Lan, là một trong những ngày quan trọng với người Á Đông. Tuy nhiên, có lẽ còn rất nhiều bạn không biết đến sự ra đời Lễ Vu Lan.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ đâu?

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Ông Ma Ha Một Đặc Già La, thường gọi là Đại Mục Kiền Liên, hay Mục Liên. Xưa kia, Mục Liên là một tu sĩ khác đạo. Về sau ông đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật. Mục Liên đạt được sáu phép thần thông và được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.

Sau khi trở thành đệ tử của Phật, vì nỗi nhớ mẹ da diết, Mục Liên đã dùng huệ nhãn nhìn xuống các cõi khổ mà tìm bà. Bấy giờ, mẫu thân của Mục Liên đã đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) ở địa ngục A Tì. Thân hình bà tiều tụy, da bọc xương, bụng ỏng đầu to, cổ như cọng cỏ.

Mẹ Mục Liên vì gây nhiều nghiệp ác mà giờ đây bị đói khát hành hạ khổ sở. Không thể chịu đựng được cảnh tượng đau lòng ấy, Mục Liên dùng phép thần thông, tức tốc đến chỗ mẹ. Ông vừa dâng cơm cho mẹ vừa xót xa, than khóc thảm thiết. Mẹ Mục Liên dùng một tay che đi bát cơm của mình, tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì thế mà mỗi miếng cơm chưa đến miệng thì đã hóa thành tro lửa.

Mục Liên lực bất tòng tâm, đành quay về xin Phật chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật bảo rằng, vì đã gây ra quá nhiều nghiệp chướng, mẹ ông phải chịu số phần đầu thai làm ngạ quỷ. Dù có phép thuật cao siêu, hiếu thảo thương mẹ bao nhiêu thì một mình Mục Liên cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có một cách duy nhất là ông phải hợp lực với các chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng. Mục Liên phải sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.

Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên, linh hồn mẹ ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ba được sanh về cảnh giới lành. Kể từ đó, lễ cúng Rằm Tháng Bảy hàng năm được diễn ra với mục đích cao đẹp. Buổi lễ nhằm cầu siêu, báo hiếu cho bố mẹ, người thân đã khuất.

Lễ Vu Lan – ngày lễ truyền thống tốt đẹp của người Á Đông

Với lòng tin vào truyền thuyết và tâm ý luôn hướng về gia đình, nguồn cội, Lễ Vu Lan luôn được coi trọng, buổi lễ diễn ra đầm ấm, trang nghiêm. Trong ngày này, ai ai cũng tỏ lòng thành kính, sự yêu thương, một lòng báo hiếu với cha mẹ, người thân của mình. Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức đặc biệt “Bông hồng cài áo”. Những người còn mẹ sẽ cài hoa hồng đỏ, những ai mất mẹ sẽ cài hoa hồng trắng. Hành động này như một điều nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức này do thiền sư Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách viết năm 1962.

Một mùa Lễ Vu Lan lại sắp tới, Blogquatructuyen hi vọng rằng, mỗi một bạn đọc sẽ luôn mang tâm hướng về bố mẹ, báo hiếu cho đấng sinh thành. Xin hẹn gặp lại các bạn trong bài viết kỳ tới với chủ đề “Quà tặng bố mẹ ý nghĩa, cảm động nhân dịp Lễ Vu Lan”.