Ngay từ thuở khai thiên lập địa, con người đã luôn khao khát lưu lại bằng văn bản những cuộc phiêu lưu như là một bằng chứng thể hiện khả năng chinh phục của mình, đồng thời là nền tảng cho giáo dục thế hệ sau. Để làm được điều đó, cần 2 thứ: dụng cụ để viết và vật để lưu những ký tự đó. Thời tiền sử, dụng cụ đầu tiên đáp ứng được yêu cầu trên trên là mẩu than. Người Xume là những người đầu tiên ghi lại lịch sử trên những phiến đất sét. Cách thức này được gọi là “chữ hình nêm” (tức chữ Ba Tư cổ), có từ khỏang 3.000 năm trước.
Khái niệm bút và giấy đầu tiên được ra đời trong nền văn minh Ai Cập cổ. Những người chép sử, sử dụng cây sậy với đuôi được nhai nát để giữ chất màu. Sau đó, họ vẽ những chữ tượng hình lên tường hoặc giấy cói.
Dần dần, cùng với sự phát triển của chất màu, những cây sậy được “lên đời” thành dụng cụ sắc nhọn với đường rãnh ở cuối, dọn đường cho việc ra đời bút lông chim. Trong thế kỷ 16, bút lông ngỗng trở thành dụng cụ viết số 1 với những ưu điểm là đầu dễ vót nhọn, dễ uốn hơn và ít gãy hơn dưới lực ép từ bàn tay.
Đến giữa thế kỷ 19, kim loại được sử dụng để chế tạo đầu bút vì dễ làm được chuẩn xác mà lại bền. Thế nhưng, người viết vẫn phải chấm bút vào lọ mực nên mỗi khi di chuyển thì rất phiền phức.
Năm 1884, anh nhân viên môi giới bảo hiểm Lewis Waterman phát chán với những bất tiện trên đã tiến hành một cuộc cách mạng trong thế giới bút. Vấn đề là làm thế nào để kiểm soát được dòng chảy của mực và tạo được bình mực dự trữ ngay trong cây bút? Waterman không được đào tạo về khoa học hay kỹ thuật nhưng lại tìm ra bí quyết mà hàng trăm chuyên gia khác bó tay.
Đáp án khá đơn giản! Waterman phát hiện ra rằng lực hút mao dẫn có mối liên hệ động lực với áp suất khí quyển. Làm thế nào để một cây bút chứa bình mực và làm cho mực chỉ chảy xuống khi người viết sử dụng? Câu trả lời là trong ống dẫn (đưa mực xuống đầu bút và xuống trang giấy). Waterman tạo ra 2 hoặc 3 rãnh để không khí và mực đồng thời vận động. Không khí sẽ thế chỗ của phần mực đã sử dụng.
Và cuộc cách mạng bắt đầu.