Vì con là con của mẹ!

“Vì con là con của mẹ! ”  Tiếng ai ru con văng vẳng trong chiều nghe sao buồn thế. Mắt nó chợt cay cay khi nhớ đến người mẹ của mình. Nó đã từng có một người mẹ dịu dàng và một gia đình hạnh phúc

. Nhưng rồi mọi chuyện đổi thay từ khi bố mất việc. Mà nguồn thu nhập của cả gia đình chủ yếu chỉ trông chờ vào đồng lương của bố thôi. Chán nản, bố đâm ra rượu chè, cờ bạc rồi về đánh mắng mẹ. Đêm nào nó cũng nghe tiếng loảng xoảng của chén bát vỡ. Nhiều khi đang ngủ cũng giật mình thon thót. Nó thấy mẹ khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên đôi má bầu bĩnh của nó. Tiếng đổ vỡ hòa với tiếng khóc xé lòng của mẹ, giày vò tâm trí nó, ám ảnh nó cả trong những giấc mơ. Và rồi mẹ cũng bỏ nó mà đi, mẹ ra đi trong một chiều mưa bong bóng, như chiều nay. Khi ấy nó mới năm tuổi. Nó bật khóc khi nhớ về chiều mưa năm ấy, một con bé năm tuổi, chạy dưới mưa, vừa gào khóc vừa gọi mẹ đến khản cả cổ. Nhưng mẹ đi mãi không về. Chiều nay nó lại khóc. Nó khuỵu xuống: “Con có tội tình gì đâu, sao mẹ nỡ bỏ con mà đi?”

Thời gian trôi, nó đã bước vào tuổi thiếu nữ. Nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, nó thành một đứa con gái “phát triển tự nhiên”, như một bông hoa hoang dại không được ai chăm bón. Trông nó cũng xinh xắn nhưng ăn mặc tuềnh toàng, mái tóc lúc nào cũng rối bù, nó hoàn toàn không biết làm điệu như những cô bạn khác. Việc nhà, từ lớn đến nhỏ, nó cứ động vào cái gì là hỏng cái ấy, rửa bát không sạch, quét nhà không nên. Mà chẳng hiểu sao nó động vào cái gì cũng loảng xoảng mà bố nó vẫn bắt nó làm. Cơm nó nấu thì bữa sống bữa khê, thức ăn thì mặn chát, toàn kiểu chém to kho dừ. Có lần bố nó giận hất cả mâm cơm đi rồi quát nó ầm ầm:

– Con gái lớn rồi mà không biết làm ăn một cái gì cả. Cứ để bố mày phải hầu mãi à?

Nó không nói câu nào, lẳng lặng nhặt từng mảnh bát vỡ, tuyệt đối không có lấy một giọt nước mắt. Bao nhiêu năm trôi qua nhưng thói quen uống rượu của bố nó vẫn không thay đổi. Mà mỗi lần say bố lại đánh mắng nó. Ngày trước nó còn khóc, dần dần nó cũng chả buồn khóc nữa, bố nó đánh đến gãy cái roi là cùng chứ gì. Có lần nó hét lên:

– Bố cảm thấy đánh chết được con thì đánh đi. Vì bố nên mẹ mới bỏ đi. Con ghét bố.

Bố nó nghe xong liền tát nó một cái và quát:

– Câm mồm! Con mẹ mày nó bỏ đi theo trai rồi. Đừng có nhắc đến nó trước mặt tao.

– Dù sao thì tất cả cũng là tại bố.

Nó lẩm bẩm trong miệng nhưng cũng đủ để bố nó nghe thấy. Bố nó lại như phát điên lên, túm lấy tóc nó rồi đay nghiến:

– Cái con mất dạy này. Mày càng lớn càng giống con mẹ mày.

Hơi men phả vào mặt nó khiến nó choáng váng. Rồi bố nó buông tay ra khiến nó đổ sụp xuống nền nhà. Đưa tay lên vuốt một bên mặt hằn năm đầu ngón tay, nó chua chát:

– Bố có dạy con đâu mà bảo con mất dạy.

Những khi say bố nó thường hung dữ thế. Còn lúc bình thường bố nó rất ít nói. Hai bố con đều lầm lì như nhau nên cái nhà nhiều khi cái nhà lạnh lẽo đến phát sợ. Bố quát mắng nó thường xuyên vì nó vụng về quá, nhưng chỉ khi say mới ra tay đánh nó. Tội nghiệp nó, ai bảo càng lớn càng giống mẹ chi. Có lẽ, bố ghét nó, đánh nó, mắng nó cũng vì thế.

Nó ngồi lặng lẽ trước gương, nó nhìn lại những bức ảnh gia đình đặt trên bàn. Phải công nhận một điều, những đường nét trên khuôn mặt nó rất giống mẹ, nhất là đôi mắt. Nó bỗng xua tay gạt tất cả xuống đất. Cả chiếc gương, cả những khung ảnh. Những mảnh kính vỡ văng tung tóe trên sàn nhà. Nó cúi xuống, nhặt lấy một mảnh thật sắc rồi cắt bỏ đi từng mớ tóc, mái tóc dài hoe màu nắng bỗng chốc cụt ngủn. Từ đó nó không để tóc dài nữa, cũng chẳng mấy khi soi gương nữa. Nó trở nên hoang tàn, lì lợm. Tính cách ngày một bất cần. Ở lớp nó chẳng có đứa bạn gái thân nào cả, nó toàn chơi với lũ con trai, cũng đá bóng, đánh đấm như con trai. Nhiều khi còn theo bọn con trai đi đánh nhau nữa. Những lời quát mắng, đòn roi chẳng có nghĩa lí gì với nó. Nó dường như đã chai lì.

***

Một ngày, bố nó dẫn về một người phụ nữ, làm một cái lễ cưới hỏi đàng hoàng, và bảo nó gọi người ấy là “mẹ”. Làm sao nó có thể gọi một người đàn bà xa lạ là mẹ chứ. Nó chỉ có một người mẹ thôi. Dẫu người mẹ ấy có đành lòng bỏ nó đi thì mẹ vẫn là mẹ. Không thể nào khác được. “Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi. Và mẹ em chỉ có một trên đời” – nó đã được dạy như thế. Vậy thì, nó phải xưng hô với người phụ nữ kia thế nào đây? Như đoán được điều khó xử của nó, người phụ nữ kia chủ động nói:

– Con không muốn thì cứ gọi cô là “dì” cũng được.

Ngay từ lúc mới về nhà nó, cô ấy đã tỏ ra rất tốt với nó, nhưng nó vẫn giữ thái độ lạnh lùng và lì lợm. “Mấy đời bánh đúc có xương” – nó nghe mấy bà hàng xóm nói vậy. Đối với người vợ thứ của bố, nó không yêu quý cũng không ghét bỏ, nó cứ lạnh lùng như một tảng băng. Sống cùng một mái nhà nhưng nó với người mẹ kế hầu như không bao giờ nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng, trong những tình huống buộc phải giao tiếp, nó mới nói với mẹ kế được vài câu, nhưng rất gượng gạo.

Phải công nhận là từ ngày nhà nó có thêm thành viên mới mọi thứ trong nhà đều tươm tất, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng, cơm canh nóng hổi. Bố con nó được ăn những món ngon chứ không phải nhai thứ cơm trệu trạo trên sống dưới khê như trước. Dì nó mở một hiệu may nho nhỏ ở gần nhà để có thêm thu nhập. Thỉnh thoảng dì lại may cho nó khi thì chiếc váy, khi thì cái áo, nó nhận hết nhưng rồi lại xếp vào tủ, chẳng bao giờ nó mặc mấy thứ đồ điệu đàng đó. Toàn mặc quần jean với áo phông hay áo sơ mi rộng thùng thình như con trai.

Nó bước vào cái tuổi mới lớn, cái tuổi không còn là trẻ con nhưng cũng chưa đủ lớn. Cái tuổi mà người ta vẫn hay nói là “dở dở ương ương”, vô cùng ngang bướng và thích nổi loạn. Rồi một ngày nó nhận ra cơ thể mình thay đổi, kì nguyệt san đầu tiên khiến nó bối rối. Được học môn sinh học rồi nhưng nó vẫn không khỏi bất ngờ và lúng túng, nó tìm đến mẹ kế với vẻ mặt “cầu cứu”. Mẹ kế thấy điệu bộ ấp úng của nó, thoáng nhìn đã phát hiện ra ngay. Cô mỉm cười dịu dàng với nó: “Con gái dì đã lớn thật rồi đấy”. Rồi chỉ bảo cho nó phải làm thế nào.

Sau lần ấy mối quan hệ của nó với mẹ kế có vẻ được cải thiện hơn. Nhiều khi chỉ có hai mẹ con ở nhà, mẹ kế nó lại thủ thỉ tâm sự, con gái phải ăn mặc thế nào, đầu tóc ra sao. Nó vờ như không để ý nhưng rõ ràng nó đang dần thay đổi. Cái đầu thường bù xù được chải gọn gàng lại, những chiếc áo dì may cho nó, nó bắt đầu mang ra mặc. Rồi nó cũng biết vào bếp phụ dì nấu nướng. Tảng băng trong lòng nó đang dần tan ra. Thì ra bấy lâu nay nó cứ tỏ ra lạnh lùng, vô tâm nhưng thực ra nó vẫn khao khát tình mẹ. Nhiều khi nó muốn mở lòng với mẹ kế, nó muốn gọi dì một tiếng “mẹ” nhưng lại thấy ngượng miệng. Nỗi đau mất mẹ vẫn còn vẹn nguyên trong lòng nó.

***

Một thời gian sau dì nó sinh được một bé trai. Thế là bao nhiêu tình cảm bố dồn hết cả vào đứa em. Nó cảm thấy mình như người thừa trong gia đình. Khi em nó cứng cáp hơn, dì nó quay trở lại với công việc thường ngày và nó có thêm việc trông em. Sáng đi học, chiều về trông em, ngày nào cũng thế. Đứa em thì hay quấy khóc khiến nó rất vất vả, đã thế bố nó không hiểu, cứ nghĩ nó trông em không chu đáo nên hay quát mắng nó. Nhiều khi nó bực bội bỏ mặc thằng em khóc oặt cả người, khóc chán cũng phải nín. Nhiều lần như thế, nó không thèm dỗ mỗi lần em khóc nữa. Thằng em khóc chán thì mệt ngủ thiếp đi.

Một lần trong khi nó lúi húi dưới bếp, thằng em đang chơi một mình trên nhà bỗng khóc ré lên. Nghĩ em lại ăn vạ nên nó chẳng buồn chạy lên xem. Nhưng lần này em nó khóc mãi không dứt, tiếng khóc nghe rất thảm thương. Nó không đành lòng liền đặt mớ rau xuống, chạy lên nhà, cũng là lúc dì nó vừa kịp về đến nơi. Trước mặt nó là cảnh tượng mà nó không thể nào ngờ đến, thằng em nó đang bò lăn ra nhà, khóc tím cả mặt mày, phích nước nóng bị đổ làm cái nút gỗ bật ra, nước chảy lên láng trên sàn. Dì nó hét lên một tiếng rồi chạy lại bế thốc thằng nhỏ lên.

– Trời ơi! Con tôi! Con ơi là con. Mẹ phải làm thế nào bây giờ?

Nước mắt chảy ròng ròng trên gò má người mẹ khốn khổ. Thằng nhỏ vẫn khóc ngặt nghẽo, tím tái cả da thịt. Lúc ấy nó đứng chết lặng, cổ họng không nói được câu nào. Dì nó vội chạy lại chỗ vòi nước xả cho dịu vết bỏng ở đùi thằng bé. Cùng lúc đó bố nó đi làm về, hốt hoảng:

– Thằng bé làm sao thế?

– Bị bỏng nước sôi anh ạ! – Nước mắt lưng tròng mẹ nó mếu máo nói.

– Còn đứng đực ra đấy làm gì nữa. Không mau ra vườn chặt mấy cây nha đam về đây – Bố nó quát lên với nó như vậy.

– Không cần đâu. Con chạy vào bếp lấy cho dì cái bát với mấy quả trứng gà tươi ra đây.

Nó lật đật làm theo, đầu óc không nghĩ được gì. Mẹ nó đưa thằng nhỏ cho bố nó bế rồi vội vàng đập mấy quả trứng, lọc lấy lòng trắng, thao tác nhanh gọn và khéo léo. Sau khi đánh tan bát lòng trắng, cô dùng nó để bôi vào vết phỏng của đứa trẻ, thằng bé vẫn khóc mải miết không dứt, tiếng khóc lạc cả đi, chắc là nó đang rất đau. Sau đó thằng bé được đưa đến bệnh viện. Chỉ còn mình nó ở nhà. Nó gục xuống, tim thắt lại. Trời ơi, nó đã làm gì thế này? Nó vẫn chưa hết hoang mang. Nước mắt chưa kịp trào ra thì lồng ngực đã quặn lại. Đến chiều hôm ấy thì bố mẹ nó đưa thằng em về. Thằng bé dường như đã thấm mệt và ngủ rất say sưa. Ngập ngừng mãi nó mới dám cất tiếng hỏi khe khẽ:

– Em…thế nào rồi dì?

“Bốp!”. Dì chưa kịp nói câu nào thì bố nó đã cho nó cái tát đau điếng. Rồi ông gầm lên như con thú dữ, túm tóc nó lôi đi xềnh xệch.

– Mày ra đây tao bảo.

Nó nghe trong giọng nói của người bố có cả tiếng nghiến răng ken két. Ông lôi nó ra đầu ngõ rồi rút thắt lưng ra quật tới tấp vào người nó. Vừa đánh vừa chửi:

– Cái con ranh này. Mày làm chị kiểu gì thế? Đến trông em cũng không xong. Hôm nay thằng bé bị làm sao thì tao phải làm thế nào? Hả? Hả?

Những trận mưa roi cứ tới tấp giáng xuống lưng nó. Nó bặm môi chịu đựng, không hề kêu một tiếng nào, cũng không hề khóc. Nó không thấy đau. Nhưng thấy toàn thân lả đi, mặt mũi tối sầm lại. Đúng lúc nó sắp sửa gục xuống thì thấy có một tấm thân che chắn cho nó. Nó nghe văng vẳng bên tai có tiếng ai đó:

– Ông có thôi đi không? Ông định đánh chết con bé hay sao?

Thì ra là dì nó, dì nó bất ngờ lao đến làm ông bố không kịp trở tay. Chiếc thắt lưng quật qua đầu làm chiếc kẹp tóc gãy tan, rơi xuống đất, mái tóc dài xổ ra. Dì đã không suy nghĩ mà lấy thân mình ra che chắn cho nó. Mái tóc bao trọn lấy khuôn mặt nó. Rồi nó không biết gì nữa cả.

Tỉnh lại giữa đêm khuya, nó thấy toàn thân đau đớn, những viết thương khi chiều đã bắt đầu sưng tấy . Dì nó vẫn chưa ngủ, dì đang nhẹ nhàng tra thuốc cho nó, dù đã hết sức nhẹ nhàng rồi mà thi thoảng nó vẫn rùng mình lên vì xót quá, buốt quá. Nó cựa quậy. Có tiếng hỏi:

– Con tỉnh rồi à?

– Dạ!

– Để dì đi lấy cháo cho con nhé. Chắc từ trưa đến giờ không ăn gì phải không?

Nó chưa kịp đáp thì dì đã đi xuống bếp. Nhìn sang bên cạnh, nó thấy em trai đang ngủ rất say sưa, chỗ vết thương đã được đậy lại bằng một miếng gạc mỏng. Nước mắt nó rơi ra. Một lát sau dì nó trở lại với bát cháo nóng hổi trên tay. Đỡ nó dậy dì nó múc từng thìa vừa thổi, vừa đút cho nó. Nó ngại ngùng nói:

– Dì để con tự ăn được rồi.

Dì đưa tay lau đi những giọt nước mắt đang lăn trên má nó.

– Nín đi rồi ăn hết bát cháo đi.

Nó đói nhưng thực sự nuốt không nổi, cứ nghẹn lại nơi cổ họng. Nó nghẹn ngào hỏi:

– Sao dì tốt với con như thế? Lần này là lỗi tại con. Con đáng bị trừng phạt.

Dì ôm nó vào lòng, dì cũng khóc:

– Dì lúc nào cũng coi con như con gái ruột của dì. Dì chỉ mong hai chị em con yêu thương lấy nhau. Việc xảy ra hôm nay, dì rất đau lòng. Nhưng dù thế nào, con cũng không đáng phải chịu sự trừng phạt kinh khủng đó.

“Con gái ruột của dì”, từng tiếng như cứa vào lòng nó đau nhói. Nó xứng đáng sao? Một người chị đã không làm tròn trách nhiệm. Một người chị đã vô tâm bỏ mặc em gào khóc mà không mảy may động lòng. Giờ dì nó lại che chở cho nó và coi nó như con ruột, nó cảm thấy mình không xứng đáng. Nó càng nức nở trên vai dì.

***

Vết thương trên đùi em nó đã lành, nhưng để lại một vết sẹo là một vùng da nhăn nhúm. Và nó biết trong lòng nó cũng đang có một vết sẹo. Mấy năm qua, cứ mỗi lần tắm cho em, nhìn thấy vết sẹo đó mà vết sẹo trong lòng lại nhói lên. Nỗi ân hận có lẽ nó phải chịu suốt đời. Thế mà thấm thoát nó đã học lớp 12. Nó dự định làm hồ sơ thi vào một vài trường với bao ước mơ đẹp ở phía trước. Nhưng một đêm tỉnh dậy nó vô tình nghe được cuộc nói chuyện của bố với dì.

– Nó là con gái, học nhiều làm gì. Thi tốt nghiệp xong cho đi học cái nghề. “Con gái là lũ vịt giời”, nuôi cho lắm thì nó lớn nó cũng tự khắc bay đi. Nhà thì đang khó khăn. Để tiền đấy đầu tư cho thằng em nó.

Nó thực sự sốc khi nghe được câu nói đó. Niềm hi vọng cuối cùng của nó đã bị giập tắt. Bao nhiêu ước mơ đẹp đẽ chưa được thực hiện đã bị vùi giập phũ phàng. Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao lại bắt nó phải hi sinh? Con gái cũng là con cơ mà? Tại sao bắt con gái phải chịu thiệt thòi? Nó khóc nấc lên. Sáng sớm hôm sau, nó gói ghém mấy bộ quần áo, đem theo ít tiền rồi quyết tâm “dứt áo ra đi”. Lúc ra đi còn hào hứng lắm. Nó muốn tự kiếm tiền để đi thi đại học. Cái hôm nó bỏ nhà đi trời bỗng đổ cơn mưa lớn, trời lại mưa bong bóng phập phồng. Trong màn mưa dày đặc, có một người phụ nữ đầu trần, mắt nhớn nhác, vừa đi vừa gọi nó. Tìm mãi không thấy, dì nó đứng lặng dưới mưa, mái tóc ướt sũng rủ xuống đôi vai gầy guộc.

Nó lang thang được mấy ngày thì hết tiền, đôi chân mỏi mệt, mà xin việc ở đâu người ta cũng không nhận. Nó đành muối mặt quay về. Biết là về bố sẽ đánh nhưng ít ra về nhà nó còn được ăn cơm. Khi nó về thì nhà cửa lạnh tanh, vắng ngắt. Nó xuống bếp lục cơm nguội. Lát sau có bác hàng xóm sang có việc gì, nhìn thấy nó liền bảo:

– Mày đi đâu cả tuần nay vậy con bé này? Có biết bố với dì lo lắng thế nào không hả? Dì mày đang nằm viện kia kìa, còn không ra mà thăm dì đi.

Nó đặt bát cơm đang ăn dở, vội vàng chạy đi ngay. Nó nhìn thấy dì đang nằm trên giường bệnh, khuôn mặt nhợt nhạt, mái tóc dài đã cắt ngắn đến ngang vai. Cơn mưa hôm ấy đã làm dì nó ốm sốt cả tuần nay. Nó nhẹ nhàng tiến lại gần, nắm lấy tay dì. Dì mở mắt ra nhìn nó, thều thào:

– Con đã về đấy à?

– Vâng! Con xin lỗi. Có một tuần mà dì gầy sọp hẳn đi. Mà, sao dì lại cắt tóc? Dì quý nhất mái tóc cơ mà?

– Dì mày bán tóc để lấy tiền cho mày đi thi đấy. Liệu mà học. Mày lớn rồi, tao cũng chả muốn dùng roi đòn nữa đâu – giọng bố nó ồm ồm vang lên.

Trái tim nó như có ai bóp nghẹt. Nó hỏi:

– Dì…dì ơi. Sao dì lại tốt với con như thế?

– Vì…con chính là con của mẹ, cho dù…mẹ không đẻ ra con.

– Mẹ…

Nó ôm lấy mẹ òa khóc nức nở. Cái từ “mẹ” được bật ra, vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nó đã mong đợi được gọi dì là mẹ từ rất lâu rồi. Cuối cùng thì nó cũng tìm thấy mẹ, tuy không sinh ra nó nhưng vẫn là một người mẹ đúng nghĩa. Nó nhất định sẽ học hành chăm chỉ và thi đỗ đại học. Vì những đồng tiền nó ăn học được đánh đổi bằng cả mái tóc của mẹ nó cơ mà.

Leave a Reply

Đánh giá*

Your email address will not be published. Required fields are marked *