Giáng sinh và những điều ý nghĩa

Bạn có biết ý nghĩa của cây thông Noel và những vật trang trí nho nhỏ xinh xinh trên đó? Những ý nghĩa có nguồn gốc sâu xa sẽ khiến bạn cảm thấy những biểu tượng của Giáng Sinh thật đẹp và thú vị.

1. Cây Thông Noel

Vào mùa đông, trong khi mọi cây cối đều héo rũ thì riêng mình cây thông vẫn xanh tươi. Chính bởi vậy, người cổ đại đã coi thông là loại cây phục sinh. Để có sự hoà hợp con người và thiên nhiên, hơn 500 năm trước trong mùa Giáng sinh, người ta dùng thông làm cây Christbaum, thông xanh tươi, có mùi thơm màu xanh biểu tượng cho sự sống nên mang đến ánh sáng hy vọng. Vào ngày đông chí, họ trang trí cây thông với trái cây, hoa và lúa mỳ.

Lần đầu tiên mà cây thông được biết đến như loại cây của ngày lễ Noël là ở Đức. Truyền thuyết kể lại rằng vào cuối thế kỷ VII, thánh Boniface (sinh vào năm 680) đã cố gắng thuyết phục các đạo sỹ rằng cây sồi không phải là cây thánh bằng cách cho đốn một cây sồi. Khi cây sồi đổ, nó đè bẹp mọi vật nằm dưới đường đổ của nó, trừ một cây thông nhỏ.

Từ đó, ra đời ý nghĩa cây thông là cây của Chúa Jesus. Bởi vậy mà vào lễ Noël, người Đức đã từng có truyền thống trồng những cây thông nhỏ. Thời Trung đại, trong nhiều lễ hội tại Ðức đều xuất hiện cây thông. Đây là loại cây sống trong khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn giữ được dáng vẻ mạnh mẽ, vững chãi và màu xanh vĩnh cửu.

Dần dần hình ảnh của loài cây này xuất hiện thường xuyên hơn và nó được coi là trung tâm của lễ hội, nơi mọi người cùng nắm tay nhau nhảy múa xung quanh cây thông được trang trí công phu. Ngày nay, gần tới dịp Noel, người ta thường sắm một cây thông và trang trí lên đó những ngôi sao, những quả châu, dải kim tuyến lấp lánh, hoa…

Cây thông được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới trong lễ hội đón chào năm mới.

Đến thế kỷ thứ 11, cây thông Noël còn được gán cho biểu tượng là cây thiên đường. Điều này giải thích lý do vì sao mà người ta còn treo thêm lên cây những trái táo đỏ, để gợi lại hình ảnh trái cấm của Adam và Eva. Đến thế kỷ 14, cây thông Noël được gắn thêm ngôi sao ở trên đỉnh cây. Đây chính là biểu tượng của ngôi sao Bethleem chiếu sáng trên bầu trời khi chúa hài nhi ra đời. Ngôi sao này đã dẫn đường cho ba vị thần cư ngụ ở phương đông ( « rois mages » ) Gaspard, Melchior và Balthasar đến gặp chúa. Đã từng có giả thuyết khoa học cho đó chính là sao chổi Halley.

Mãi đến thế kỉ 19 thì cây Noel mới được sử dụng rộng rãi ở Anh. Nó được những người Ðức ở Pennsylvania mang sang nước Mỹ vào những năm 182.

2. Ngôi Sao Giáng Sinh

Ngôi sao trong lễ Giáng sinh có ý nghĩa đặc biệt, theo tương truyền lúc Chúa vừa chào đời thì trên trời xuất hiện một ngôi sao rực rỡ. Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm. Từ các vùng phía đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran và Syria, có 3 vị vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao tìm tới chắc chắn sẽ gặp phép lạ gọi là lễ ba vua. Từ đó, ba vị tìm theo sự dẫn đường của ánh sáng để đến được hang đá thành Bethelem nơi Chúa đã ra đời. Ba vị này thân quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Chúa các phẩm vật trầm hương, mộc dược và vàng bạc châu báu.

Ngôi sao trở thành biểu trưng ý nghĩa trong mùa Giáng sinh và được treo chỗ trang trọng nhất ở các giáo đường, cơ sở tôn giáo trong đêm Giáng sinh để nhớ đến sự tích trên.

Ngôi sao còn tượng trưng cho phép lạ của Thượng đế.

3. Chuông Thánh Đường

Trong vài nền văn hóa Á Châu, tiếng chuông được dùng báo hiệu cho quần chúng biết một biến cố hoan hỉ hay một sự kiện buồn não vừa xảy đến. Sau khi Chúa hài đồng giáng sinh, tục lệ này được truyền đến cho những quốc gia Tây phương để rung lên chào mừng Chúa Cứu thế xuống trần.

Tại đất nước Tây Ban Nha, các chuông nhà thờ ngân vang vào lúc nửa đêm báo hiệu Chúa ra đời.

4. Chiếc Gậy Kẹo

Vào năm 1800, một người làm kẹo ở Ấn Độ muốn biểu đạt ý nghĩa của lễ Giáng sinh qua một biểu tượng được làm bằng kẹo. Ông bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình bằng cách uốn cong một trong những thỏi kẹo của mình thành hình một chiếc gậy kẹo.

Qua cây gậy kẹo của mình, ông đã kết hợp những biểu tượng thể hiện tình yêu và sự hy sinh của Chúa Jesus. Màu trắng biểu hiện cho sự trong trắng và vô tội của Chúa Jesus. Sau đó, ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Ðức Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập tự giá. Ba sọc đó còn biểu hiện ba ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần). Ông thêm vào một sọc đậm để tượng trưng cho máu mà Chúa đã đổ cho loài người. Khi nhìn vào cái móc của cây gậy, ta thấy nó giống hệt cây gậy của người chăn cừu vì Chúa Jesus chính là người chăn dắt con người. Nếu bạn lật ngược cây gậy, nó sẽ trở thành chữ J tượng trưng cho chữ cái đầu tiên của tên Chúa Jesus.

5. Thiệp Giáng Sinh

Vào thời cổ Ai Cập và La Mã, người ta có thói quen gửi lời chúc mừng đầu năm khắc trên những mảnh gỗ. Đến năm 1843, tại Anh quốc, Sir Henry Cole, vì quá bận bịu trong công việc làm ăn không thể viết thư được nhân mùa Giáng Sinh và muốn giúp phát triển hệ thống Bưu điện nên đã in một số thiệp gửi đến các đồng sự của ông làm quà giáng sinh. Lần ấy, đã có hàng ngàn tấm thiệp được in và bán với giá một “shilling”.

Leave a Reply

Đánh giá*

Your email address will not be published. Required fields are marked *