Ngày Tết âm lịch không chỉ là một dịp để người dân tại nhiều nước châu Á đoàn tụ với gia đình, bạn bè mà còn là dịp thưởng thức những món ăn truyền thống nhằm cầu chúc cho một năm mới may mắn, sung túc, thịnh vượng.
Tết âm lịch tại nhiều nước châu Á là dịp lễ quan trọng với nhiều ý nghĩa tâm linh. Trong dịp này, để đảm bảo cho một năm mới nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng, người dân mỗi nước lại có những món ăn riêng, rất đặc trưng. Sau đây là 10 món ăn tiêu biểu.
1. Vịt quay
Trong văn hóa Trung Quốc, vịt biểu tượng cho lòng trung thành, sự tin cậy và thường được ăn theo kiểu Bắc Kinh đó là vịt quay ăn kèm bánh kẹp và nước tương hoisin của Trung Quốc hoặc nước tương ngọt.
2. Tôm
Với người Trung Quốc, các món tôm đều tượng trưng cho sự hạnh phúc và khỏe mạnh. Trong tiếng Trung Quốc quan thoại hoặc tiếng Quảng Đông, từ con tôm được phát âm giống như âm thanh của tiếng cười.
3. Cá nguyên con
Cá được coi là món ăn may mắn bởi trong tiếng Trung Quốc, con cá được phát âm là “yu”, nghe gần giống với từ miêu tả sự giàu có, sung túc. Người Trung Quốc tin rằng cá nên được ăn nguyên con nhưng chừa lại phần đầu và phần đuôi để tránh bị xui xẻo cả năm.
4. Hàu khô
Hàu không chỉ là món ăn bổ dương mà còn được người Trung Quốc coi là món ăn may mắn. Đặc biệt là món hàu khô được tin rằng sẽ đem đến sự phát đạt trong kinh doanh. Trong dịp năm mới, hàu thường được ăn cùng đậu phụ (nhưng chỉ lấy phần vỏ của miếng đậu) và các loại rau củ như nấm.
5. Mỳ
Một trong những món ăn phổ biến nhất được người Trung Quốc chuẩn bị trong dịp năm mới, sinh nhật và các dịp lễ quan trọng khác là mỳ. Mỳ được cho là biểu trưng cho sự trường thọ. Người Trung Quốc tin rằng mỳ không nên bị cắt ngắn ra để tránh gặp điều không may.
6. Tteo-kguk
Tại Hàn Quốc tết âm lịch được gọi là Seollal. Trong dịp này món ăn không thể thiếu tại mỗi gia đình là tteokguk, một loại canh bánh bột gạo nấu với nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa và gia vị. Người Hàn Quốc quan niệm ăn loại bánh canh này ngày tết sẽ giúp họ được khỏe mạnh, được thêm một tuổi và tránh được xui xẻo cho gia đình suốt cả năm.
7. Galbi Jjim
Ngoài món tteokguk, người Hàn Quốc còn chuẩn bị món galbi jjim cho ngày Tết hoặc những dịp lễ quan trọng. Nguyên liệu chủ yếu là xương sườn (bò hoặc heo) được chặt ngắn nấu cùng nhiều loại rau củ như nấm, cà rốt, hạt rẻ, hạt bạch quả, củ cải. Món này thường ăn cùng nước sốt làm từ đậu tương củ hành, đường và hạt vừng để cầu mong cho sự sung túc, thịnh vượng cả năm.
8. Tikoy
Kể từ năm 2012, chính phủ Philippine chính thức đưa tết âm lịch vào danh sách những ngày lễ lớn trong năm. Trong dịp này, món ăn không thể thiếu của người dân địa phương là Tikoy. Được làm chủ yếu từ gạo nếp, trộn với mỡ heo, đường và nước rồi đem nhúng vào trứng gà trước khi chiên, Tikoy được người Philippine tin rằng sẽ giúp những người thân trong gia đình luôn bên nhau.
9. Tsagaa
Tại Mông Cổ, món ăn ngày tết âm lịch thường không thể thiếu các sản phẩm từ sữa, bánh gạo kèm sữa đông hoặc gạo với nho khô. Ngoài ra trên bàn thờ hoặc bàn tiệc còn có một tháp bánh ngọt truyền thống “Ul boov” đặt trên một đĩa lớn cùng với thịt cừu nướng (phần lưng và đuôi) và thịt bò băm nhỏ. Tháp bánh dành cho ông bà thường có 7 tầng, dành cho cha mẹ có 5 tầng còn cho các cặp vợ chồng trẻ chỉ có 3 tầng.
10. Bánh chưng/bánh tét
Với mọi gia đình người Việt, ngày Tết sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu bánh chưng hoặc bánh tét. Được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, gia vị gói trong lá dong/lá chuối, thứ bánh rất giản dị, đặc trưng cho một quốc gia nông nghiệp này mang theo thông điệp tạ ơn trời đất đã ban cho mùa màng tốt tươi, đồng thời thể hiện sự biết ơn, kính trọng với cha mẹ.