Một câu chuyện với lối kể tự nhiên và rất đời thường khiến người đọc có những cảm nhận vô cùng chân thực, sâu sắc
Trong tôi lại hiện về kí ức của một sân khấu chật kín người, đứa trẻ ngồi hàng ghế đầu mắt long lanh, tự hào nhìn lên ông bố bụng phệ mặc bộ quần áo lòe loẹt dang tay chào khán giả.Tôi cười. Cả khán phòng cùng cười. Và nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má
Trong khi tôi ngồi chống cằm trên nóc một tòa nhà cao tầng với hộp cơm dở dang bên cạnh và tay phì phèo điếu thuốc thì điện thoại đổ chuông.
Bố tôi gọi, đầu dây bên kia nhì nhèo tiếng ông:
– Chiều, mày có rỗi, thì về nhà. Tao có chuyện muốn nhờ.
Tôi “ậm ờ” rồi gác máy. Mặt tiu ngỉu nhìn xuống những dòng xe bé tí xíu trôi bồng bềnh qua…
Vừa tan sở làm, tôi ọc ạch đi chiếc wave cà tàng qua nhà bố. Ông đã đứng đợi tôi trước hiên nhà, mặc bộ caravat, dõng dạc nói:
– Mày đưa bố ra kia. Chọn áo quan!
Ông leo lên xe tôi. Tôi ngơ ngác nhìn ông, rồi cũng nổ máy phóng xe đi.
Tới một shop quần áo lớn, tôi và ông dừng lại ở đó. Chẳng đợi tôi dắt xe vào bãi, ông mặc tôi, nhởn nhơ vào trước.
Tôi vào rồi thì thấy ông đang thử chiếc áo sơ mi cộc tai hoa hòe đủ kiểu, cùng chiếc quần ngố và đôi dép tông trắng, nhún nhảy trước gương. Con bé nhân viên bên cạnh sở hữu khuôn mặt trẻ măng mặc chiếc áo hai dây trắng lồ lộ cặp nhũ hoa, với chiếc quần zip ngắn cũn cỡn cứ nhìn ông rồi cười hoài. Ông ngó tôi qua gương, hỏi:
– Mày thấy sao?
Tôi lắc đầu:
– Tùy bố!
Con bé nhân viên ngó nghiêng bố tôi một hồi rồi đon đả cười:
– Bác mặc bộ này đẹp, lại trẻ ra nhiều đấy ạ. Bác định mặc cho dịp nào ạ?
Ông đưa mắt nhìn nó, rồi trả lời tỉnh queo:
– Tôi chọn áo quan.
Con bé nhân viên che miệng há hốc mồm, rồi vội chữa thẹn bằng cách lảng đi. Lúc vào tay nó cầm vài bộ quần áo, cười gượng:
– Bác thử mặc mấy bộ này xem ạ, biết đâu…
Bố tôi tủm tỉm cười, nói:
– Cô thật khéo chọn.
Rồi ông thong dong vào thay hết bộ này đến bộ khác.
Tôi nghệt ra nhìn ông, rồi cúi nhìn đồng hồ.
Bố tôi bước ra khỏi phòng thay đồ. Lần này ông mặc bộ vest xanh lơ lòe loẹt bó sát cái thân hình béo núc, cùng chiếc áo sơ mi vàng ệch.
Ông ưỡn ngực quay qua quay lại:
– Được chứ, con trai?
Mắt tôi cụp xuống, miệng tôi trề ra:
– Được.
Ông vào thay đồ, rồi trở ra, quay sang nói nhỏ với con bé nhân viên:
– Cô gói cho tôi.
Trời nhá nhem, con phố văng tanh, chúng tôi là là đi trên đường. Ông hỏi tôi:
– Quan tài tao đặt người đóng rồi. Còn mấy việc vặt nữa… nhờ mày nốt.
Tôi hậm hực:
– Đùng một cái, đang khỏe như voi, cứ thích lo chuyện đâu đâu…
– Đâu đâu cái gì, vớ vẩn!
Tôi thả ông dưới hiên nhà, tay xách nách mang, ông lủi thủi đi vào, không quên ngoái lại hỏi tôi:
– Thế có vào ăn cơm không?
Tôi “psy” một tiếng rồi lắc đầu:
– Con bận viêc rồi.
– Rõ cái thằng…
Đợi cho ông vào hẳn nhà tôi mới yên tâm trở về.
***
Một buổi tối trong nhà hàng sang trọng, những dãy bàn thắp nên ánh nến vàng lung linh và huyền ảo. Xung quanh là những cặp tình nhân tỉ tê tâm sự. Tôi ngồi đối diện em.
Người tôi yêu hôm nay mặc chiếc váy trắng xẻ ngang đôi vai gầy trắng muốt. Đôi môi em bẻ cong và chiếc má phúng phính để lộ cặp lúm đồng tiền quyến rũ mỗi khi tôi pha trò:
– Anh mắng hắn một trân té tát, bảo: Sao có con ruồi trong tô mì của tao? Hắn nghệt ra, rồi lảng đi, không quên lầm bầm: Người đâu đẹp trai mà… Anh tức quá….
Đúng lúc ấy thì tiếng chuông điện thoại vang lên, tôi đặt mặc định bài “Như một lời chia tay”, điệp khúc í éo: Những hẹn thề từ nay khép lại…
Tôi luống cuống mở máy, bố tôi gọi. Tôi cáo lỗi với em rồi lủi vô phòng vệ sinh nghe điện thoại:
– Bố… con đang có chuyện…
– Chuyện gì… mày thì ngoài đi tòm tem các gái thì còn chuyện gì nữa?
– Hai mấy tuổi đầu rồi, không đi tòm tem các gái, đến tết công gô bố mới có cháu bế à?
Đầu dây bên kia, ông psy một tiếng, rồi lại nói:
– Sớm mai chủ nhật, qua xem quan tài cùng tao!
Giọng tôi tiu ngỉu:
– Mai con…
– Không mai miếc gì hết! Tao chết ra đấy mới cuống cuồng đi lo… vớ va vớ vẩn!
Tôi đuối lí, vội cụp máy trở ra. Mắt tôi chớp chớp nghĩ ngợi, rồi ngồi xuống bàn ăn như kẻ mất hồn.
– Có chuyện gì thế anh?
– Ờ, không… – Tôi đáp cụt lủn.
Cả buổi hôm ấy mặt tôi cứ cụp xuống, im như phỗng, đến khi món điểm tâm dọn ra, tôi mới ấp úng:
– Anh xin lỗi… mai nhà anh có chuyện… Anh…
Người tôi yêu nở một nụ cười gượng:
– Không có gì đâu…
Sớm hôm sau tôi qua nhà bố, đứng đợi trước cửa. Chốc chốc lại nhìn đồng hồ đeo tay.
Lúc lâu sau thì bố tôi xuống, ông mở cửa, tay giơ giơ cuốn tiểu thuyết ngôn tình nào đó, ngoái ra:
– Tôi đang đọc dở… chả để ý…
Rồi ông lịch kịch đóng cửa, leo lên xe tôi. Chúng tôi đi một quãng đường dài.
Đường cao tốc, vắng tanh, tôi đi chậm rì. Ông ngoái lên bảo:
– Thôi mày xuống tao đèo.
– Khỏi, bố cứ ngồi yên đấy, cẩn thận chứ…
– Sao mày dát thế con trai? Cứ thế thì chó nó thèm à?
Tôi cáu:
– Bố để yên cho con đi.
Bố tôi trả lời tỉnh bơ:
– Thì có ai nói gì đâu.
Hai bố con tôi đèo nhau rẽ vào trong con đường đất nhỏ, hai bên đường rặt những tán cây cùng cỏ dại. Dừng chân trước xưởng gỗ, ông bước xuống, quẹo chân chữ bát mà đi vào. Tôi lúi húi theo sau. Gã thợ mộc trạc ba mươi đang đốc thúc chỉ trỏ đám nhân công, thấy bố tôi, vội quay ra:
– Bác ạ! Bác vào thử.
– Ờ.
Rồi ông đi theo gã thợ mộc vào nhà, tôi cúi mặt đi theo. Gã chỉ chiếc quan tài nằm dưới nền đất. Ông nhón người bước lên, rồi nằm lọt thỏm xuống.
– Mát quá…
Gã thợ mộc cười:
– Thì con chọn đúng loại, gỗ nghiến theo yêu cầu của bác mà lại…
Rồi ông khoát tay gọi với ra:
– Anh… vào thử?
Tôi cười như mếu, rồi bỏ ra ngoài hút thuốc, thờ ơ nhìn đám thợ đang đục đẽo những phượng, rồng…
Tưởng chừng như mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi rồi. Đám ma của ông sẽ diễn ra chu toàn và cái dòng chữ “trong lúc tang gia bối rối” dùng trong trường hợp đám ma của ông có lẽ hơi thừa…
***
Trong lúc tôi đang nằm ngả lưng trên ghế tựa nhìn sóng biển vỗ dập dìu, quay sang nhìn người tôi yêu, mặc bộ bikini trắng, loại không có quai đeo, đang thiếp đi… nhìn yêu không chịu được! Thì tiếng chuông điện thoại: Những hẹn thề từ nay khép lại… Lại vang lên.
– Mày ở đâu, về ngay, quên cái vụ nhạc nhẽo đấy… Không có kèn sáo nhị gì! Nhé! Nghe mà não…
– Rồi… rồi…- Tôi lúng túng quay sang nhìn người tôi yêu, rồi trả lời ráo hoảng- Thì bố cứ thấy cái nào hay, thì bố cho vào.
– Thì tao mới hỏi ý kiến mày! Chứ mày lại bảo tao độc đoán!
– Con đang đi công tác, sao mà về ngay được?
– Thì mai?
– Mai cũng không được!
– Ngày kia?
– Hết tuần!
Tôi trả lời cụt lủn. Rồi quay sang nhìn em, mặt tôi xịu đi.
– Mày cứ bốc phét!
Tôi bực mình:
– Sao bố không để cho con yên? Bao nhiêu lần bố cho con lăn lên lộn xuống vì đủ thứ trò của bố? Cho con xin một tuần yên ổn!
Đầu dây bên kia không có tiếng trả lời, rồi chỉ còn lại những tiếng tút dài.
Đêm hôm ấy, tôi vùng tỉnh giấc, em vẫn yên giấc cạnh tôi, linh tính báo cho tôi điều chẳng lành. Rồi trở ra ban công hút thuốc. Tôi thở dài rồi sốt ruột vào lấy máy của em, quay số gọi cho bố.
Ông nhấc máy.
– Đứa nào đấy?
Tôi không đáp, đặt máy xuống bên cạnh, thở phào nhẹ nhõm.
***
Chiều hôm sau, bố tôi vĩnh viễn đi về cõi vĩnh hằng. Một thằng bỏ mẹ nào đó rồ ga đâm phải ông, khi ông đang trên đường đi bộ từ nhà tang lễ trở về.
Đám tang của bố tôi diễn ra trong tiếng nhạc cổ điện không lời réo rắt, buồn não nề khiến một thằng thất tình phải đập đầu xuống sàn mà tự vẫn do ông soạn ra.
Trong những bước chân và trong tiếng sụt sùi của những vị khách bước qua linh cữu, ông mặc bộ vest xanh lơ mà hôm ấy tôi đi chọn cùng. Tôi cúi mặt, rón rén nhìn từng vị khách đến, rồi lại đi.
Tôi cầm tờ giấy trong tay, và đứng lên bục, cạnh linh cữu của bố, nói qua micro.
“Bố tôi là một diễn viên hài, có lẽ vì thế mà cho tới khi giải nghệ ông không bao giờ bỏ cái tính… gây bất ngờ cho khán giả. Lúc nào cũng khiến tôi tá hỏa vì những hành động chẳng giống ai của ông…
Và lần này, ông cũng làm tôi bất ngờ…
Chiều hôm tôi được tin ông bị tai nạn qua đời, tôi mới trở về từ Hải Phòng. Có lẽ đó là sự bất ngờ ngẫu nhiên khiến tôi đỡ dằn vặt hơn việc ông lao ra ban công nhảy lầu và để lại chức thư với vài dòng ngắn ngủi: Mày là thằng con bất hiếu, vì gái quên cả bố mày!
Tôi không biết sau khi sang thế giới bên kia, ông mải chọc thánh thần, ghẹo tiên nữ… có về đây để khiến tôi bao lần mếu xệch đi vì những hành động của ông nữa không?
Tiếng nhạc bất ngờ từ đâu vang lên, một bản nhạc vui nhộn mà hồi ông còn đi diễn, mỗi lúc vang lên là lúc ông xuất hiện. Tôi giật mình quay ra.
Trong tôi lại hiện về kí ức của một sân khấu chật kín người, đứa trẻ ngồi hàng ghế đầu mắt long lanh, tự hào nhìn lên ông bố bụng phệ mặc bộ quần áo lòe loẹt dang tay chào khán giả.
Tôi cười. Cả khán phòng cùng cười. Và nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má.
ST