3 nguyên nhân để nói không với tục ăn thịt chó

Hãy cùng truyền tải và lan tỏa thông điệp “Chó là người bạn đồng hành, không phải là thực phẩm”.

Ai cũng biết, đốt pháo là truyền thống lâu đời của dân tộc. Nó gắn liền với sự thiêng liêng của đêm trừ tịch, đón giao thừa… nhưng xét thấy việc đốt pháo hại nhiều hơn lợi, Thủ tướng và Quốc hội thời đó đã kiên quyết bài trừ tập tục đã có từ ngàn xưa – một tập tục tưởng chừng không thể nào dứt bỏ được. Năm 1994, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kiên quyết và thành công trong việc bãi bỏ tục đốt pháo Tết. Việc này đã mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ tránh được những thương vong, hỏa hoạn do việc đốt pháo gây ra mà còn tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc cho người dân trong nước…

Việc bắt và ăn thịt chó, xét ra còn tệ hại hơn việc đốt pháo rất nhiều vì sự bất nghĩa, bất nhân, và nói không quá còn làm mất thể diện quốc gia.

Về bất nghĩa                                                                            

Chó là động vật thông minh, trung thành và sống gần gũi nhất với con người. Chúng giúp đỡ con người rất nhiều trong cuộc sống như canh nhà, “làm bạn”, chưa kể những chú chó đặc vụ được huấn luyện đặc biệt còn hỗ trợ các lực lượng điều tra trong các công cuộc phá án và truy bắt tội phạm…Thật vậy, nói về sự thông minh và trung thành của chó thì chuyện kể có lẽ không bao giờ hết. Lúc sinh thời, ông tôi có nuôi con chó. Lúc ông qua đời, nó ra nằm ngoài mộ, bỏ ăn và chết ngay cạnh mộ ông.

Ở Bolivia, chú chó tên là Huachito đã đứng đợi chủ 5 năm, nơi mà chủ của nó qua đời trong một tai nạn xe cộ.

Ở Đức, chú chó tên Rocky, sau khi bị bắt cóc, đã vượt qua 700 km trong 3 năm để tìm đường trở về với chủ của mình.

Ở Úc, chú chó tên Dasher đã sát cánh cùng cậu chủ nhỏ 2 tuổi suốt thời gian cậu lạc trong rừng.

Ở Brazil, chú chó tên Leao đã nằm phục bên mộ chủ nhân của nó trong suốt nhiều ngày sau khi chủ nhân nó qua đời trong trận lũ và lở đất lịch sử ở đây.

Ở Nhật Bản, chú chó Hachiko đã đến nhà ga 3 giờ chiều mỗi ngày để đón chủ nhân. Chủ nhân nó là giáo sư Ueno, người mỗi ngày đi tàu điện đến Tokyo dạy học và thường trở về lúc 3 giờ chiều. Hôm đó, ông qua đời đột ngột ở Tokyo vì đột quỵ và không bao giờ trở về nữa. Con chó đã đợi ông ở sân ga trong suốt 10 năm cho đến chết.

Trong một chuyện kể từ TP HCM, thân phụ người kể chuyện, khi đi vớt bèo dưới ao thì bị một con trăn rất lớn tấn công. Con chó bất kể mạng sống, lao tới cắn cổ trăn cứu chủ. Chú chó bị trăn quấn làm gãy mất xương sống. Tuy may mắn thoát chết, nhưng lại bị què 2 chân sau. Ngày chủ nhân nó chết, nó bỏ ăn, bỏ uống, chỉ ra nằm cạnh mộ. Mấy ngày sau, người nhà phát hiện con chó nằm chết trong tư thế đang quì, ôm mộ của chủ nhân.

Không chỉ là một loài động vật trung thành với chủ, xét ở một phương diện khác, chó còn trung thành với nước khi góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ an ninh – (Hình: Những chú chó đặc vụ được huấn luyện)

Chó trung thành là vậy, sống có nghĩa là vậy. Ấy thế mà, mỗi năm có đến 5 triệu con chó bị xẻ thịt ở Việt Nam. Thử hỏi đạo nghĩa ở đâu? Tình người ở đâu?

Các quốc gia văn minh đã nhận thức được điều này và đã đi trước chúng ta trong việc cấm ăn thịt chó. Ở các quốc gia này, chẳng những ăn thịt chó là một trọng tội mà việc đối xử tệ với chó, không chăm sóc và nuôi dưỡng chó một cách đầy đủ cũng bị đưa ra tòa luận tội. Khi một con chó chạy lạc trên đường, tất cả xe cộ đang lưu thông hai chiều đều phải dừng lại để đảm bảo cho sự an toàn của nó. Họ làm được sao ta không làm được? Họ nhân đạo được sao ta không nhân đạo được?

Về bất nhân

Việc ăn thịt chó đã dẫn đến nạn chó bị bắt trộm, việc này sẽ làm người mất chó rất đau buồn – đây là hành động bất nhân của kẻ bắt chó và của kẻ liên đới chịu trách nhiệm là người ăn thịt chó. Mất chó là một mất mát lớn của người nuôi chó, giống như bị mất người thân. Hãy tưởng tượng, nếu người thân bạn mất thì bạn sẽ đau khổ đến nhường nào? Mỗi năm, có 5 triệu con chó bị xẻ thịt thì cũng có mấy triệu người đau buồn theo đó, thử hỏi còn sự thất đức nào hơn? Ngoài ra, việc đánh người trộm chó đến chết hay trọng thương cũng là hành động bất nhân của người đánh và của kẻ liên đới chịu trách nhiệm là người ăn thịt chó. Nếu không có việc ăn thịt chó thì đã không có những hệ lụy bất nhân vừa kể.

Về thể diện quốc gia

Theo báo cáo của Tổ chức ACPA (Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á), trung bình mỗi năm có đến 5 triệu con chó bị giết tại Việt Nam. Với con số này, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường tiêu thụ thịt chó nhiều nhất thế giới. Việc này đã làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp của đất nước chúng ta trong cộng đồng thế giới. Đây là việc hệ trọng, không thể xem thường. Thật vậy, các quốc gia văn minh trên thế giới đều không ăn thịt chó. Người dân họ rất ghê tởm khi phải du lịch ở một quốc gia treo bán đầy thịt chó. Vì tế nhị và lịch sự, họ không nói ra nhưng chúng ta phải thấy sự khinh bỉ trong ánh mắt của họ. Cho nên, để có thể hòa nhập sâu hơn vào cộng đồng văn minh thế giới, để có thể hãnh diện mời gọi du khách đến tham quan ngày một đông hơn, để có thể kêu gọi đầu tư nước ngoài ngày một nhiều hơn, Việt Nam nói riêng và một số nước tiêu thụ thịt chó nói chung phải bài trừ tập tục này – tập tục ăn thịt chó. Nguồn thực phẩm dành cho con người rất phong phú và hầu như vô tận. Nếu không ăn thịt chó, con người có thể ăn thịt của vô số loài động vật khác. Ngoài thịt động vật, còn có vô vàn các loài tôm cá và hải sản giàu chất dinh dưỡng mà con người có thể lựa chọn. Vậy hà cớ gì chúng ta lại ăn thịt chó? Các nhà tu, những người ăn kiêng, có bao giờ đụng tới thịt thà, tôm cá? Những người này, chỉ sống nhờ rau củ và hoa quả, nhưng họ vẫn sống vui, sống khỏe, thậm chí còn khỏe mạnh và ít bệnh tật hơn những người ăn thịt như chúng ta. Cho nên, với những người ăn thịt chó, hãy dũng cảm làm một cuộc cách mạng “nói không với thịt chó”. Hãy cùng truyền tải và lan tỏa thông điệp “Chó là người bạn đồng hành, không phải là thực phẩm”.

“Chó là người bạn đồng hành, không phải là thực phẩm” – câu khẩu ngữ đến bao giờ mới được thực thi?

Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt tập tục bất nghĩa, bất nhân và mất thể diện quốc gia này. Nếu không thể làm cho đất nước tốt đẹp hơn thì chúng ta đừng làm hoen ố nó, có vậy mới không phụ công ơn các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước, mới không phụ lòng mấy triệu liệt sĩ đã nằm xuống trong hai cuộc chiến vừa qua cho sự độc lập, thống nhất nước nhà, cho cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc của chúng ta ngày hôm nay.  Chúng ta hãy khuyên bảo những người xung quanh đừng bán thịt chó và đừng ăn thịt chó. Hơn thế nữa, chúng ta hãy tích cực vận động Chính phủ và Quốc hội ban hành sắc lệnh nghiêm cấm ăn thịt chó như đã từng nghiêm cấm đốt pháo ngày xưa.

Trần Văn Xẻn

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả.

Leave a Reply

Đánh giá*

Your email address will not be published. Required fields are marked *