- Mày định học trường gì đấy?
- Trường đời!
“Trường đời” là gì?
Đó có phải là ngôi trường dành cho những thanh niên không có hứng thú với công việc “mài mông trên ghế nhà trường” thay vào đó sẽ lao ngay ra làm việc để trang trải phục vụ cuộc sống?
Trước khi trả lời câu hỏi đó, tôi muốn bạn hãy trả lời định nghĩa “Trường học” là gì?
Theo định nghĩa trong từ điển thì “Trường học” là một nơi tiến hành giảng dạy, đào tạo toàn diện hay về một lĩnh vực chuyên môn nào đó cho học sinh, học viên. Và theo kinh nghiệm học tập 12 năm và còn hơn thế nữa, tôi nhận định rằng: “Trường học” là nơi cung cấp cho ta những bài học bổ ích, những kiến thức được sắp xếp theo từng môn học được hệ thống thành các bài giảng.
Tại “trường học”, sau mỗi kỳ sẽ có những bài thi. Các kỳ thi đó yêu cầu ta cần đạt được một điểm số nhất định mới có thể lên lớp hay qua môn. Nếu bạn là học sinh, điểm thi của bạn không đạt thì việc lưu ban là hiển nhiên. Nếu là một sinh viên, khi điểm thi không đủ tiêu chuẩn thì bạn đã “tạch” và hãy chuẩn bị tinh thần cùng tài chính đủ để học lại trong kỳ tới.
Nội dung chính
- 1 Thế còn “Trường đời” thì sao?
- 2 Bạn cần đạt đủ điểm cho mỗi “bài kiểm tra”.
- 3 Đáng tiếc là chúng ta thường để “tạch” ngay từ những bài kiểm tra dễ nhất.
- 4 Bạn cần tự “lột xác” cho chính mình.
- 5 Đừng đổ lỗi hay hiểu nhầm.
- 6 Ta học được nhiều hơn từ những gì không như ý hơn là những gì như ý.
- 7 Pass examinations – Bạn đã đỗ.
- 8 Lời kết.
Thế còn “Trường đời” thì sao?
Trong cuốn “3 Người thầy vĩ đại”, Robin Sharma có chỉ ra rằng:
Hằng ngày, khi con bước ra thế giới, con thật sự đến trường. Và cũng như trong một trường học truyền thống, có một chương trình giảng dạy với mỗi môn học khác nhau cung cấp những bài học khác nhau. Một khi con vượt qua một môn bằng cách học lấy bài học của nó, con tiếp tục sang môn mới.
Và nếu con không tiếp thu được bài học?
À, khi đó con phải học lại – dĩ nhiên.
Cuộc đời này chính là một ngôi trường, nơi cung cấp kiến thức theo một “giáo án” Nhiệm vụ của ta là phải tiếp thu kiến thức, trau dồi kinh nghiệm thông qua những bài học đó và không ngừng thích nghi để trưởng thành.
Bạn có công nhận không? Bởi kiến thức là vô hạn và lý thuyết với thực tế có một khoảng cách không hề nhỏ. Chúng ta bước ra cuộc sống và cần phải học những kiến thức mới mà trường học truyền thống không dạy bạn. Ví như cách tạo lập mối quan hệ, cách đàm phán và thuyết phục, thậm chí là cách khen, chê hay từ chối… Với một tâm thế sẵn sàng chiến đấu dù cho gặp phải bất cứ khó khăn gì, ta cứ nghĩ chỉ nhiêu đó là đủ cho một cuộc chiến. Nhưng than ôi, chẳng hiểu vì lý do gì mà “trường đời” ấy đập cho bạn túi bụi, toàn thân trầy xước không còn một mảnh giáp. Và thế là “quay đầu là bờ”, “lui binh tháo chạy”. Những tưởng các trận chiến sẽ dừng lại ở đó, ai ngờ đâu, lần sau còn bị “vùi dập” hơn cả lần trước. Bạn đau khổ và uất ức nói rằng “số phận” bạn trớ trêu, ông trời bất công với bạn. Kể từ đó bạn mặc “cuộc đời” muốn hành hạ bạn thế nào bạn cũng chịu, nó thích gì làm nấy.
Bạn cần đạt đủ điểm cho mỗi “bài kiểm tra”.
Vũ trụ đưa cho ta hàng loạt các quy luật của cuộc sống mà nếu bạn chỉ ngồi ở trong trường học thì bạn sẽ không bao giờ nhận ra. Cách duy nhất là hãy bước ra “trường đời”.
Tại sao tôi lại nói vậy? Bởi bạn cứ nghĩ rằng trường học mới cho bạn những bài kiểm tra 15 phút, 45 phút còn “trường đời” thì không. Nhưng có lẽ các bạn đã nhầm, “trường đời” cũng cho chúng ta nhiều “bài kiểm tra” không kém trường học mà thời gian kiểm tra có thể kéo dài suốt cuộc đời của bạn. Chỉ khi bạn dám đương đầu với “bài kiểm tra” của “trường đời”, dù có thất bại hay thành công thì bạn mới nhận ra những giá trị của cuộc sống.
Mọi trải nghiệm giao cắt với cuộc đời con đều xảy đến với con để dạy con bài học con cần nhất để học cách vươn tới nấc tiếp theo của cuộc đời mình…
Nếu con hiểu được quá trình này và nhận ra cơ hội có được một bài học trong mọi tình huống, con có thể chuyển sang môn tiếp theo. Và khi con rời khỏi môn cũ, con cũng sẽ rời bỏ cuộc sống cũ của mình vì, thật thú vị, một khi con đã có được bài học mình cần, loại người hoặc tình huống mà bài học đó có liên quan đến sẽ chẳng bao giờ trở lại với con lần nữa.
3 Người thầy vĩ đại – Robin Sharma
Và khi các bạn đã trải qua đủ các “bài kiểm tra” thì tôi tin bạn sẽ giải quyết được những vấn đề tưởng chừng như khó khăn nhất trong cuộc sống. Nhứng kiến thức và kinh nghiệm từ khó khăn đó sẽ là hành trang bạn mang theo suốt cuộc đời.
Đáng tiếc là chúng ta thường để “tạch” ngay từ những bài kiểm tra dễ nhất.
Đa số, những “bài kiểm tra” đến với ta một cách không báo trước và phần lớn trong số đó gắn liền với những khó khăn, thử thách và đau khổ. Do không dám đối diện với những điều không may mắn đó, ta từ chối làm “bài kiểm tra” ở mức độ dễ và sau đó bạn sẽ nhận được một “bài kiểm tra” khác với mức độ nâng cao hơn.
Nếu “bài kiểm tra” đầu tiên chỉ khiến bạn mất khoảng 10.000đ thì bài tiếp theo sẽ lấy đi của bạn 100.000đ. Khi bạn vẫn lựa chọn không vượt qua, “bài kiểm tra” thứ ba sẽ xuất hiện và lấy đi 1.000.000đ, 10.000.000đ… Quy trình sẽ liên tục tiếp diễn cho đến khi bạn chịu đủ đau đớn và lựa chọn duy nhất của bạn là tiếp nhận giải quyết nó.
Khi học toán năm lớp 10, với những bài học đầu tiên tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu. Thế là quyết định “bỏ đấy” và nghĩ rằng chỉ cần qua chương này sang chương mới mình sẽ hiểu và học tốt hơn. Nhưng KHÔNG, chương 1 chính là nền tảng của chương 2, chương 2 là căn cứ để học chương 3. Chúng liên quan đến nhau và các chương sau càng khó hơn chương trước. Kết quả là gần đến kỳ thi, tôi vẫn không thể nào hiểu và nắm được những kiến thức mà thầy cô đã dạy. Để có thể qua được kỳ thi, tôi phải học lại hết tất cả các kiến thức cơ bản từ chương 1, một lượng kiến thức rất lớn trong vòng hai tuần ngắn ngủi. Và điểm tôi đạt được cũng chỉ đủ để qua môn.
Vì thế, hãy vượt qua những “bài kiểm tra” đầu tiên sớm nhất có thể, đừng bỏ bê nó. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải chịu những áp lực còn lớn hơn lúc đầu để hoàn thành “bài kiểm tra” tiếp theo.
Bạn cần tự “lột xác” cho chính mình.
Bạn hãy tưởng tượng, sau mỗi lần vượt qua một “bài kiểm tra”, bạn sẽ lột bỏ lớp da cũ và tiếp tục đi tới những phần tiếp theo cao hơn trên chặng đường đời của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đang phủ nhận quá khứ.
Quá trình học tập và phát triển của ta giống như một chú rắn. Rắn phải thay da định kỳ để cho phép cơ thể lớn lên và loại bỏ ký sinh trùng bám trên da. Giống như chúng, khi “lớp biểu bì” bao quanh không đủ để ta lưu trữ lượng thông tin, kiến thức và kinh nghiệm mà ta học được, thì lúc đó cần diễn ra một quá trình “lột xác” để loại bỏ đám “ký sinh trùng” và lớp da cũ. Ta trưởng thành hơn sau những bài học và giữ lấy kinh nghiệm cho mình để có thể bước vào môn học tiếp theo.
Có một câu chuyện tôi muốn lấy làm minh chứng cho bạn. Sau khi đã biết đi xe đạp rồi, tôi vẫn thường xuyên bị thương như hồi còn đang tập. Nguyên do là tôi đạp xe quá nhanh vào những đoạn đường có rêu trơn. Một lần, hai lần vẫn chưa có bài học nào được đúc kết, ba lần vẫn chưa rút kinh nghiệm. Chỉ đến khi bản thân bị bong gân phải hạn chế đi lại một tuần, lúc ấy mới nhận ra được sai lầm của mình, kể từ đó tôi không bao giờ bị ngã khi đi xe đạp nữa.
Quá khứ không phải để ta phủ nhận mà là bàn đạp để ta hướng tới tương lai và không gì hơn ngoài thế. Bạn có thể lựa chọn học tập từ sai lầm của mình hoặc không. Nhưng trước khi lựa chọn, hãy cân nhắc kỹ lưỡng và nên lường trước hậu quả của cách chọn đó.
Đừng đổ lỗi hay hiểu nhầm.
Một suy nghĩ không nên có đó là do những bài học đã được sắp xếp sẵn như này nên bạn có thể để mặc tất cả mọi thứ trôi theo “số phận”. Bạn nên nhớ rằng những bài học mà vũ trụ này cung cấp cho bạn không phải lý do để bạn đổ lỗi, trốn tránh hay lệ thuộc.
Đừng hiểu sai ý nghĩa, cũng hãy dừng lại việc đổ lỗi cho “số phận”. Bạn hãy nhìn ngoài kia có biết bao tấm gương vượt qua “số phận” để đạt được những thành công vang dội nhất. Nếu khi đối diện với khó khăn vất vả, bạn chỉ biết đổ lỗi thì bạn chỉ mãi ở trong ao tù nhỏ bé do chính bạn tạo ra.
Mỗi một người có mặt trên thế giới này đều nắm giữ một sứ mệnh, vai trò của riêng mình, không ai giống ai. Việc bạn cần làm, là tìm ra sứ mệnh đó trước khi nhắm mắt xuôi tay. Ta phải chiến đấu, phải vấp ngã, phải vượt qua những “bài kiểm tra” chứ không phải để mặc bản thân trôi theo cái gọi là “số phận”.
Ta học được nhiều hơn từ những gì không như ý hơn là những gì như ý.
Cũng giống như khi được trả bài kiểm tra ở trường học, thường chúng ta chỉ tập trung vào lỗi sai của mình chứ hiếm khi xem lại những câu đã làm đúng phải không? Và ở những bài kiểm tra sau, chúng ta sẽ không mắc phải những sai lầm đó nữa. Nhưng nếu không cẩn thận, những câu làm đúng hôm nay có thể trở thành lỗi sai cho bài kiểm tra tới.
Cuộc đời này cũng vậy, những điều không may mắn sẽ dạy cho bạn nhiều hơn. Vì thế đừng oán trách chúng mà hãy đón nhận chúng như một món quà. Bạn chẳng thể nào sống trên đời nếu cứ hy vọng cuộc đời mình chỉ toàn may mắn.
Pass examinations – Bạn đã đỗ.
Khi nhận được thông điệp này, bạn đã thành công vượt qua “bài kiểm tra” của mình.Nhưng những bài học sẽ đến với ta không bao giờ hết cho đến khi ta chết đi. Đừng nghĩ rằng ta sẽ phải gồng gánh để đấu tranh suốt đời. Khi đã vượt qua những bài học và “bài kiểm tra” nhất định, bạn sẽ đi sâu hơn vào tâm hồn mình, chạm đến cái gọi là “quy luật vận hành của vũ trụ”. Vì “Những quy luật điều khiển tự nhiên chính là những quy luật vận hành cuộc sống của chúng ta.” Và sớm thôi bạn sẽ cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống này.
Lời kết.
Đằng sau tất cả những điều nhìn thấy được đều ẩn chứa gì đó lớn lao hơn; mọi thứ chỉ là một con đường, một cánh cổng, hoặc một ô cửa sổ mở ra một điều gì đó khác.
– Antonie de Saint-Exupéry
Sau mỗi khó khăn và vấp ngã, cuộc đời đều dành tặng cho ta những bài học kinh nghiệm coi như là phần quà vì đã hoàn thành tốt “bài kiểm tra”. “Dù thế nào trái đất vẫn quay!” và cuộc đời bạn luôn diễn ra theo một hướng suôn sẻ nhất. Bạn hãy tin tưởng và đón nhận phần quà ấy một cách khôn ngoan, đừng quên tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp trong tương lai vì biết đâu, tương lai sắp tới bạn sẽ trải qua những trái ngọt mà bạn chưa từng nghĩ tới.
Chúc bạn có thể vượt qua những “bài test” ngay ở vòng đầu tiên. Và đừng quên rằng, trong “trường đời”, những “cái tát” chính là món quà.
Ngân Hà – Bookademy.
————————————————–