Chào anh/chị. Giữa nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, có nên “Bình tĩnh mà sống” hay không là câu hỏi khiến không ít người đắn đo khi trả lời. Mẩu truyện nhỏ dưới đây sẽ giúp anh chị tìm ra đáp án.
Ngày xưa, có một anh tiều phu đến xin việc ở nhà một thương gia giàu có. Trông anh khỏe mạnh, hiền lành và chăm chỉ nên người thương gia nhận anh ngay.
Tiền công anh được nhận khá cao, điều kiện làm việc cũng rất tốt. Chính vì thế anh tiều phu quyết định phải nỗ lực hết mình để xứng đáng với những gì được trả. Anh cầm rìu vào rừng đốn gỗ.
Ngày đầu tiên, anh tiều phu mang về 18 cây gỗ – một con số đáng nể.
“Tốt lắm, hãy tiếp tục phát huy” – ông chủ vỗ vai động viên anh.
Lời động viên của ông chủ như chất kích thích, càng khích lệ anh chàng làm việc chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, dù nỗ lực hơn ngày đầu, nhưng ngày hôm sau anh chỉ mang về 15 cây gỗ. Ngày thứ ba anh càng cố gắng hơn nữa, cũng chỉ mang về được 10 cây. Càng ngày, anh càng mang về ít hơn.
Anh tiều phu buồn rầu vì nghĩ sức khỏe của mình đã yếu. Anh tìm đến ông chủ, xin lỗi vì đã không làm được như kỳ vọng của ông và thắc mắc không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.
– “Lần cuối cùng cậu mài chiếc rìu của mình là bao giờ?” – người thương gia hỏi
– “Mài rìu ư? Tôi đã dành hết thời gian của mình để đốn cây mà không để ý đến việc mài nó’” – anh tiều phu buồn rầu đáp.
Hình ảnh anh tiều phu là hình ảnh đại diện cho rất nhiều người trong số chúng ta. Chúng ta mải miết chạy theo những mục tiêu đề ra, cứ chạy, cứ đua mà quên đi rằng: chẳng có “cỗ máy” nào chạy mà không cần nghỉ để “tra dầu, bảo dưỡng”.
Làm việc chăm chỉ chẳng có gì sai cả, nhưng chúng ta cũng cần lắm thời gian để nghỉ ngơi, để suy nghĩ và chiêm nghiệm, để học hỏi và trưởng thành. Nếu chúng ta không dành thời gian cho những điều tưởng chừng như không cần thiết đó, giống như anh tiều phu ở trên thì lâu ngày “lưỡi rìu” của chúng ta sẽ cùn dần đi, và đánh mất đi tính hiệu quả trong công việc.
Thu Hương Sưu tầm