Câu chuyện của ông Nicholas Winton – người đàn ông mà những người kính trọng gọi là Ngài Nicholas là một ví dụ. Suốt thời còn trẻ, ông Nicholas đã cứu sống 669 trẻ em tại Czechoslovakia, Tiệp Khắc, vài tháng trước khi thế chiến thứ II nổ ra. Tuy nhiên, bí mật ấy đã được chôn vùi suốt 50 năm và chỉ được đưa ra công luận vào năm 1988 trên chương trình That’s Life của BBC.
Từ trước tới này, ông Nicholas không bao giờ tự nhận mình là anh hùng hay những hành động của mình là hành động vĩ đại gì cả. Chỉ khi vợ của ông, bà Grete phát hiện ra một cuốn sổ trên tầng áp mái mà ông ghi lại rõ ràng tên, địa chỉ, ngày sinh cùng với những bức ảnh của từng đứa trẻ được ông giải cứu, cả thế giới mới biết câu chuyện về người anh hùng thầm lặng.
Và khi chương trình được phát sóng vào năm 1988, ông Winton được mời tới tham gia, ngồi ở hàng ghế đầu khán giả. Tuy nhiên, đây không phải là một chương trình bình thường khi tất cả khán giá xung quanh ông đều là những đứa trẻ mà ông từng cứu sống cách đây gần nửa thế kỷ. Các nhà nghiên cứu của chương trình đã lần theo manh mối, tìm được họ và mời đến trường quay. Khi người dẫn chương trình Esther Rantzen nói:
“Hãy đứng dậy nếu bạn nợ ông Nicholas Winton cả cuộc đời”
Nicholas Winton bế một đứa trẻ ông giải cứu trên tay.
Cả khán phòng đứng dậy. Những tràng pháo tay rào rào cũng không thể hòa đi những tiếng khóc nấc. Ông Nicholas khi đó đã ở tuổi gần 80; những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt hằn dấu thời gian của ông. Với nhiều người có mặt tại chương trình ngày hôm đó và cả khán giả xem truyền hình, đó là khoảnh khắc thiêng liêng đầy xúc động mà họ không thể nào quên. Và chương trình đã đưa người xem quay lại câu chuyện cuộc đời của người anh hùng thầm lặng này cách đây 50 năm…
Người anh hùng của thế kỷ 20
Nicholas Winton xuất thân từ một gia đình giàu có người Do Thái di cư đến nước Anh từ thế kỷ 19. Ông sinh ngày 19/5/1909 tại West Hampstead, Anh Quốc. Chàng trai trẻ Nicholas khởi nghiệp với nghề môi giới chứng khoán từ năm 1931.
Giấy tờ của đứa trẻ tên Bermann Thomas do ông Nicholas giữ gìn cẩn thận suốt nửa thế kỷ.
Tháng 12/1938, anh nhận được cuộc gọi từ một người bạn, Martin Blake. Martin khẩn khoản đề nghị anh hãy hủy chuyến đi trượt tuyết của hai người tại Thụy Sỹ mà thay vào đó, hãy đến Prague, Tiệp Khắc để gặp mình gấp. Nicholas đến Séc vào đúng dịp năm mới và được Blake giới thiệu với Ủy ban hỗ trợ người tị nạn tại Czechoslovakia. Thành phố này lúc đấy có khoảng 250,000 người, đa phần là người Do Thái. Nhiều người đến từ các gia đình chính trị và phe chống lại Đế chế Đức. Cuộc sống trong các trại tập trung của họ đầy đau khổ và cận kề cái chết nên họ gần như không còn con đường nào khác ngoài trốn khỏi nước Đức.
Chàng trai trẻ Nicholas nhận ra rằng, ít nhất mình có thể giúp đỡ một vài đứa trẻ có cuộc sống mới. Cậu biến phòng khách sạn ở thủ đô Prague của mình thành trạm trung chuyển trẻ em về Anh. Rất đông người xếp hàng ngày đêm trong thời tiết giá lạnh của thủ đô Prague để có cơ hội được giải cứu. Nicholas và những người đồng nghiệp, Doreen Warriner và Trevor Chadwick đã chụp ảnh và ghi thông tin chi tiết của từng đứa trẻ. Chuyến bay đầu tiên đưa các em đến Anh là vào tháng 1/1939, chỉ một ngày trước khi Đức chiếm đóng Tiệp Khắc, với sự tài trợ của một tổ chức từ thiện tên Barbican Mission.
Nicholas quay trở lại London sau 3 tuần với một danh sách dài những đứa trẻ cần được cứu sống. Anh đã nỗ lực hết mình để làm giấy tờ, thủ tục cho những đứa trẻ có thể tị nạn tại Anh. Chàng trai trẻ đã kêu gọi chính phủ cung cấp tiền và phương tiện vận chuyển, bên cạnh đó là tìm sẵn những gia đình muốn nhận con nuôi.
Trong suốt thời gian sau đó, ông đã tổ chức thành công 7 chuyến tàu chuyên chở trẻ em Do Thái về nơi an toàn. Tổng cộng, Nicholas và những người đồng sự đã cứu sống được 669 đứa trẻ trong đó có 566 trẻ em người Do Thái, 52 người Unitarian, 34 người theo đạo Thiên chúa giáo và 17 người khác. Sau khi tới nước Anh, nhiều em đã được gửi đi khắp các nước châu Âu làm con nuôi.
Cuộc đời thầm lặng sau đó
Chiến tranh kết thúc, ông Nicholas cất cuốn sổ ghi tên những đứa trẻ sang một bên và bắt đầu công việc lái xe cứu thương tại Normandy. Sau đó, ông chuyển qua Ủy ban người tị nạn quốc tế trước khi chuyển đến làm cho ngân hàng quốc tế tại Paris, Pháp. Tại đây, ông đã gặp bà Grete, người vợ tương lai của mình. Hai người đã có với nhau 3 người con sau cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Sau khi câu chuyện của ông được mọi người biết tới, Nicholas Winton đã nhận được nhiều huân chương từ chính phủ Séc, bao gồm huân chương tự do Prague. Năm 2003, Ngài Nicholas Winton được nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ ở tuổi 94. Năm 2011, các nhà làm phim Séc đã xây dựng lại cuộc đời và chiến công của ngài Nicholas trong bộ phim “Gia đình của Nicky” với lời đề tựa “Người đàn ông Anh quốc đã thay đổi thế giới”.
Tháng 11 năm 2014, ông nhận danh hiệu Sư tử trắng do tổng thống Cộng hòa Séc trao tặng và được ghi danh là vị anh hùng của cộng hòa Séc.
Vera Egermayer, một người sống sót sau thời kỳ chiến tranh chia sẻ: “Nicholas là một anh hùng dân tộc với người dân Cộng hòa Séc. Tại Anh, bạn có thể không biết về ông nhưng ở đây, tất cả mọi người đều biết ông. Ông đã làm một điều tốt mà không chờ đền đáp hay cần được biết đến”. Ông Nicholas luôn khăng khăng bản thân mình không phải một anh hùng gì cả vì ông chưa bao giờ gặp nguy hiểm. Ông luôn cười và nói rằng công việc của mình rất an toàn.
Bức tượng anh hùng Nicholas Winton cùng 2 đứa trẻ được đặt trang trọng tại nhà ga trung tâm Prague, cộng hòa Séc.
Nicholas Winton luôn nói, nếu không nhờ người bạn Chadwick, ông sẽ không bao giờ có thể làm được điều ấy. Tổng thống Cộng hòa Séc, Miloš Zeman, từng nói:
“Ông đã ban cho những đứa trẻ này món quà quý giá nhất cuộc đời: cơ hội được sống và tự do. Ông không bao giờ coi mình là một người anh hùng nhưng hành động của ông đến từ mong muốn muốn giúp đỡ người khác. Cuộc đời ông là một minh chứng cho tình thương nhân loại, con người không ích kỷ, sự dũng cảm đáng ngưỡng mộ và sự khiêm tốn khó ai sánh được”.
Vợ ông, bà Grete qua đời năm 1999. Ngài Nicholas George Winton qua đời vào ngày 1/7/2015, hưởng thọ 106 tuổi.
Ông Nicholas Winton khi 105 tuổi tại buổi lễ nhận huân chương Sư tử Trắng tại Cộng hòa Séc