Tặng quà vừa là một nét đặc trưng văn hoá, vừa là một nghệ thuật cũng lắm công phu, bởi nó thể hiện sự chu đáo và tấm lòng của người tặng. Quà tặng không chỉ phù hợp và mang lại những lợi ích thiết thực cho người nhận mà còn thể hiện tấm lòng của người nhận. Nghệ thuật tặng quà đến từ những điều tưởng chừng như đơn giản nhất như cách gói quà, tặng quà khi nào hay lời nói lúc tặng quà.
Đôi khi bạn muốn tặng quà cho sếp để tỏ lòng quý mến và biết ơn mà không màng vụ lợi nhưng lại không biết phải tặng như thế nào để nói lên được tấm lòng mình mà cả sếp và bạn đều không mang tiếng.
Nếu sếp nói “Cảm phiền không tặng quà”
Nếu đó là thông điệp rõ ràng của sếp, hoặc cương quyết hơn: “Cấm tặng quà” thì tốt nhất bạn nên bỏ ngay ý định tặng quà sếp. Sếp của bạn chắc chắn là người rất nguyên tắc, không thích dây dưa mấy chuyện tình cảm “vớ vẩn” để rồi mang tiếng là người thích nhận hối lộ, lợi dụng chức tước “kiếm chác” từ nhân viên.
Tuy nhiên nếu giữa sếp và bạn đã có mối quan hệ thân tình, sao không thử hỏi xem liệu bạn có thể “lách luật” một lần được không, rồi lựa ý sếp mà làm. Mách nhỏ bạn những lúc sếp vui hoặc hơi quá chén là thời điểm tuyệt vời để gợi ý sếp nhưng nên thật khéo léo khi đề cập.
Chọn quà gì tặng sếp?
Nên tặng một món quà có giá trị sử dụng. Món quà đó đừng quá gợi tính vật chất (như một đồ vật bằng vàng, phong bì,…) mà nên thiên về sở thích của sếp. Chẳng bạn, nếu sếp thích thể thao, bạn có thể tặng sếp một cây vợt tennis, đôi giầy thể thao hoặc 1 cặp vé xem bóng đá. Nếu sếp thích sưu tập tiền bạn có thể tặng sếp những tờ tiền độc khó tìm. Cần cân nhắc kỹ, đừng tặng những món quà người ta không thể sử dụng, điều đó dễ gây bực mình cho người nhận quà và người được nhận dễ đem cho ai đó hoặc cất vào kho mà không bao giờ nhớ về nó nữa.
Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ gia cảnh sếp trước khi tặng quà. Ví dụ như nếu sếp chưa có con (và tất nhiên đang khát khao có), đừng dại mà tặng sếp những gì liên quan đến con trẻ.
Giá trị quà tặng sếp
Dù bạn tặng quà để thể hiện lòng biết ơn hay chỉ để tạo thiện cảm thì cũng nên đặc biệt quan tâm tới giá trị món quà. Không cần một món quà quá đắt nhưng quà tặng độc đáo và sang trọng để xứng với tầm của sếp. Một món quà quá “bô nhếch” hay giản đơn thường gợi sự cẩu thả, thiếu tôn trọng của người tặng. Bên cạnh giá trị vật chất, cần chú ý tới giá trị tinh thần của món quà. Hãy tặng một thứ để sếp thường xuyên dùng đến, nhờ đó, sếp sẽ cảm thấy sự có mặt của bạn ở bên. Gợi ý bạn có thể tặng sếp 1 quà tặng độc đáo và sang trọng mà sếp có thể trưng bày ở phòng làm việc hay phòng khách như vật phẩm phong thủy hay 1 chiếc bút ký sang trọng.
Đừng quên lời đề tặng
Món quà kèm theo tấm thiệp hay lời nhắn gửi sẽ giúp người nhận hiểu được thiện chí của bạn. Món quà cùng những lời cám ơn chân thành trong tấm thiệp chắc chắn sẽ tạo ra một ấn tượng tốt để tạo dựng mối quan hệ lâu dài sau này.
Cách tặng quà sếp như thế nào?
Tốt nhận là tặng trực tiếp, trao tay. Chọn một thời điểm thích hợp: ít người. Chọn một địa điểm lý tưởng: Tại bàn uống nước của sân tennis, tại nhà sếp hay tại quán café … Tuyệt đối không tặng quà sếp chỗ đông người ở cơ quan, khiến sếp ngại với các nhân viên khác. Phong thái tặng trang trọng và lịch sự, tỏ rõ tấm thịnh tình của bạn.