Tặng quà, không chỉ đơn thuần là gửi tặng phẩm mà còn trao tặng lời chúc mừng mang giá trị tinh thần vào đúng dịp có ý nghĩa nhất. Lời chúc mừng hay một vật phẩm được trao một cách bất ngờ luôn đem lại thích thú và xúc động cho người nhận.
Có chuyện kể rằng mẹ của nữ hoàng Anh Elizabeth II một lần vào năm 1979, ghé thăm gia đình hoàng tộc De Beauvau – Craon (Pháp) tại tòa lâu đài của họ ở Haroué gần Nancy. Khi được đưa đi thưởng ngoạn ngôi vườn trong lâu đài, bà được nghe kể câu chuyện rằng vào năm 1870, gia đình De Beauvau – Craon đã chôn một số trang sức bằng bạc trong chính ngôi vườn này khi Đức xâm lăng và bây giờ không ai biết số bạc đó nằm chính xác ở đâu. Chuyện tưởng chừng kể ra cho nghe vậy thôi nhưng chẳng ngờ không lâu sau khi mẹ nữ hoàng về nước, vợ chồng De Beauvau – Craon nhận được một hộp to gửi sang từ Luân Đôn, trong đó có chiếc máy dò kim loại!
Một chủ nhiệm bách hóa kể rằng trong đời mình, tặng phẩm gây xúc động nhất là món quà được một người bạn gửi nhân sinh nhật lần 60 của ông: bức ảnh phóng to với hình bố ông đứng trước cửa tiệm tạp hóa vào ngày khai trương cách đó nửa thế kỷ, tiệm tạp hóa mà ông đã thừa hưởng từ bố mình…
Tặng quà rõ ràng là một nghệ thuật trong hàng loạt các mối giao tiếp xã hội của cuộc sống, có thể gây xúc động hoặc cũng có thể khiến người nhận… bất mãn nếu không khéo. Tặng tiền, tuy mang tính thực tế, rất có thể khiến người nhận bị tổn thương khi không được trao một cách tế nhị. Và đối với trẻ em, sự trao tặng càng phải cân nhắc hơn bởi một tặng phẩm có thể tạo nhiều ảnh hưởng cho tâm lý đứa trẻ.
Cậu bé Albert Einstein năm tuổi một lần bị bệnh nặng, nằm liệt trên giường. Để giúp cậu thư giãn, ông bố tặng cậu cái compa nhỏ. Chính vật phẩm dường như không giá trị này đã làm Einstein rất thích thú: xoay hướng nào, kim compa cũng chỉ về hướng bắc. Từ đó, lòng say mê vật lý nảy sinh trong Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối vào những năm sau này…
Hoa là một trong những tặng phẩm được trao nhất trong bất kỳ dịp gì. Nhưng nên cẩn thận vì “ngôn ngữ” của loài hoa khá phức tạp, rất dễ gây ngộ nhận. Hoa hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu và kỳ vọng sự khởi đầu tốt đẹp. Hoa violet tím muốn nói rằng người nhận xin đừng bao giờ quên người gửi. Phong lan hàm ý người gửi quí bạn, đánh giá bạn rất cao… Một bác sĩ kể rằng một ngày lúc đi làm về, ông rất thích thú khi thấy mảnh vườn trở nên sặc sỡ với 57 bụi hồng mới tinh vừa được vợ ông trồng nhân ngày sinh nhật lần thứ 57 của ông.
Một “tặng phẩm” rất được yêu thích khác là lời mời du lịch. Một chuyến du lịch luôn để lại nhiều kỷ niệm khó quên trong lòng người được mời. Cũng có thể đơn giản chỉ tặng chiếc vé để người nhận tùy ý thực hiện chuyến du ngoạn. Đây là món quà có ý nghĩa nhất cho những sinh viên xa quê nhà trong dịp hè về.
Tặng một vật phẩm, vào lúc khá “bất thường” vì không nhân dịp gì, lại mang nhiều ý nghĩa mà người tặng lắm khi phải đắn đo và người nhận nhiều lúc… không muốn lấy. Chuyện xưa kể rằng họa sĩ thành Vienna Gustav Klimt đã buộc lòng gửi cho người tình chiếc quạt mà trên đó chàng vẽ một bức họa lãng mạn với hàng chữ : “Thà kết thúc trong đau khổ còn hơn đau khổ mà không bao giờ kết thúc”.