Anh chị thân mến, cuộc sống và vạn vật quanh chúng ta, từng giờ từng phút luôn luôn biến đổi theo không gian và thời gian, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Con người ai cũng một lần sinh ra và một lần ra đi mãi mãi. Nhưng ngày nào còn tồn tại hãy sống cho đáng sống “… Hãy sống làm sao khi bạn qua đời mọi người khóc còn bạn, bạn cười”.
Câu chuyện tuần 57 dưới đây sẽ truyền cảm hứng cho bạn để sống vui vẻ, lạc quan và có ích từng ngày. Hãy trân quí từng phút giây ta tồn tại.
Cách đây hơn 2 tháng, cô giáo trẻ Nguyễn Phạm Thanh Hằng (SN 1989, Hà Nội) đã chia sẻ lên mạng xã hội câu chuyện xúc động về căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối mà bản thân cô đang mắc phải.
Trước tinh thần lạc quan của cô giáo Hà Nội khi vẫn vui vẻ, không đầu hàng trước bệnh tật, hàng triệu người đã xúc động và bày tỏ sự cảm phục.
Liên hệ với cô, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn trên facebook và hẹn gặp nhau tại một quán coffee mà cô yêu thích. Trước khi đến, tôi đã từng nghĩ rằng cuộc trò chuyện này sẽ đầy nước mắt khi cô kể về những khó khăn, sự sợ hãi, về tương lai không nhiều hi vọng.
Thế nhưng từ những lời chia sẻ đầu tiên, Thanh Hằng đã khiến những nỗi lo lắng của tôi trở nên dư thừa. Bằng giọng nói sôi nổi, đôi lúc pha trò hài hước, cô kể về bệnh tình, về cuộc sống của mình trước và sau khi căn bệnh này ập tới khiến người đối diện là tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
4 ngày truyền hóa chất liên tục
“Mình hiện đang là giáo viên cấp 2 trường THCS Lệ Chi (Gia Lâm, Hà Nội). Có mẹ là giáo viên, chính vì thế nghề giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến mình để rồi bản thân quyết định lựa chọn tiếp bước theo nghề của mẹ.
Mới đây khi vừa hoàn thành kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được cử đi thi vòng thành phố thì mình nhận tin mắc bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối, thông tin ấy như “sét đánh ngang tai”, cô giáo trẻ mở đầu cuộc trò chuyện.
Thanh Hằng chia sẻ, biểu hiện bệnh quá mờ nhạt nên dù đã ủ bệnh 4 năm nhưng bản thân cô không hề biết. Vào tháng 12/2016, cô cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, một ngày đi vệ sinh 28 lần nên nghi ngờ cơ thể đang có vấn đề.
Tuy nhiên vì chủ quan nên cô vẫn chưa chịu đi khám mà ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. Người bán thuốc sau khi nghe kể về các triệu chứng mà cô mắc phải liền kê đơn thuốc bệnh viêm đại tràng. Cô mang về uống, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.
“Sau đó thì mẹ dẫn mình đi bệnh viện để kiểm tra. Bác sĩ cho gọi 6 người/nhóm, đưa đi các phòng để khám bệnh rồi tập hợp kết quả, gọi vào phòng vào để thông báo tình hình sức khỏe, đọc bệnh án của từng người rồi kê thuốc.
Thế nhưng đến lượt mình thì bác sĩ lại không nói cho mình là bị bệnh gì, chỉ báo là muốn gặp người nhà. Tự dưng mình thấy bất an lắm, nghĩ thầm trong bụng: “Tại sao tất cả mọi người đều được nói tình hình sức khỏe mà mình lại phải gặp người nhà? Chắc chắn là bệnh nặng rồi”.
Vì đi cùng mẹ nên mình sợ mẹ sốc, liền xin bác sĩ: “Anh cứ nói với em, không cần nói với người nhà đâu” nhưng bác sĩ đã đuổi mình ra ngoài rồi gọi y tá dẫn mẹ vào, nói chuyện rất lâu.
Sau khi mẹ ra ngoài thì không nói gì cả mà gọi điện cho anh trai, chị dâu luôn. Mình sợ lắm. Lúc đó mẹ vô tình đặt bệnh án ở trên ghế thì mình lén cầm lên xem, thấy ghi K trực tràng.
Lên google tìm kiếm thì hiện kết quả là ung thư trực tràng. Mình bật khóc luôn”, cô giáo trẻ kể về thời điểm mà bản thân cô cảm thấy sợ hãi nhất.
Thời gian đó, cả gia đình cô giáo như náo loạn, ai cũng khóc nức nở. Cô rơi vào trạng thái chán chường, khóc ròng mấy hôm liền. Bạn bè, đồng nghiệp đến thăm thường xuyên, nhất là các thầy cô giáo ở trường mà cô đang theo dạy luân phiên nhau đến, vì “sợ Hằng sốc quá mà tự tử”.
Thế rồi, sau chuỗi ngày khóc lóc, cô giáo 8x gạt nước mắt và vui vẻ chấp nhận sống chung với bệnh tật. Điều đầu tiên cô phải chấp nhận là đến bệnh viện thường xuyên hơn, dừng hẳn công việc giáo viên dạy nhạc đang dang dở, chấp nhận những ngày buồn chán trên giường bệnh.
“Ngày 15/12, biết mang trong mình bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối là mình nghỉ dạy luôn để điều trị vì thời gian điều trị rất là dày, 10 ngày vào viện một lần.
Bác sĩ miêu tả, phổi mình bị ung thư “ăn”, nhìn như quả thanh long. Tưởng tượng phổi mình như quả thanh long thì phần đen là phổi, phần trắng là ung thư nó “ăn” rồi.
Trước mắt, mình sẽ truyền 12 lần. Sau 6 lần truyền thì kiểm tra tổng thể để xem thuốc có tác dụng không, hợp thuốc không, nếu không hợp thuốc thì phải đổi thuốc khác. Cách đây mấy tuần mình còn không nói được, nói là ho nhưng sau 4 lần truyền thì tiến triển hẳn, không ho nữa, cả nhà cũng bất ngờ”.
Hàng tuần, cô lại được mẹ đưa vào bệnh viện Ung bướu Hà Nội để truyền hóa chất, mỗi lần truyền mất khoảng 3 ngày liên tục, có lần mất 4 ngày.
“Phải ở bệnh viện, truyền hóa chất liên tục trong 3 ngày khiến mình mệt mỏi lắm. Có đợt truyền mất 4 ngày, liên tục truyền hóa chất vào cơ thể khiến mình đuối hẳn”.
Cô giáo cũng tâm sự, mỗi lần vào viện là tiêu tốn khoảng 20 triệu đồng. Hơn 2 tháng qua, gia đình cô đã tốn mất gần 100 triệu cho việc điều trị. “Gia đình cũng xác định là truyền hóa chất như thế này cho đến hết đời, phải tiền núi cũng không xuể”.
Dù đang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, phải đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ về ngoại hình, sự xáo trộn trong cuộc sống và khoản tiền cực lớn để điều trị bệnh nhưng cô vẫn lạc quan và tin tưởng ở tương lai.
“Hoa hậu của bệnh viện”, “tăng 2kg vì không còn sợ bị béo nữa”
Bằng giọng kể hài hước, pha trò, Thanh Hằng chia sẻ cho tôi nghe về những tình huống bi hài khi cô thường xuyên bị nhận nhầm là người nhà bệnh nhân.
“Lần nào vào nhập viện cũng bị bác sĩ, y tá và điều dưỡng đuổi ra vì lầm tưởng mình là người nhà bệnh nhân, trừ khi mình mặc đồ bệnh viện.
Bác sĩ thường quát mình: “Đi ra đi em ơi, chưa đến giờ thăm bệnh nhân đâu”, nhưng khi mình đáp: “Em là bệnh nhân mà anh” thì nhận được câu trả lời: “Bệnh nhân gì, luyên thuyên, đi ra”.
Đến đợt thứ 4 thì bác sĩ, y tá và điều dưỡng mới quen dần, chứ lần nào cũng tưởng mẹ mình là bệnh nhân, thậm chí còn bắt mẹ mặc đồ bệnh nhân nữa”, cô giáo trẻ chia sẻ.
Có lần cô đang đi thang máy, đeo thẻ bệnh nhân, mặc quần áo bình thường, một bác bệnh nhân khác còn tưởng cô làm ở bệnh viện, liền hỏi thăm” “Ôi con ơi làm ở đây vất vả nhỉ? Bây giờ mới được về à?”.
Khi cô phân bua là bệnh nhân ở đây, bác bệnh nhân kia còn đoán cô mới mắc bệnh chứ không phải “giai đoạn cuối”.
“Hồi mới nhập viện, tóc mình vẫn còn dài, ăn mặc vẫn còn cute, mấy anh ở bệnh viện còn trêu: “Bọn anh phong cho em là hoa hậu nhé”.
Hay những lần ra quán gội đầu, thấy tóc mình rụng nhiều quá, các chị còn hỏi sao tóc rụng như thế. Mình bảo bị ung thư thì bị các chị mắng té tát, bảo “nói linh tinh, không có chuyện gì để đùa à?”
Tư tưởng của mọi người là đã bị ung thư, mà ung thư giai đoạn cuối có nghĩa là sắp “đi” rồi, người đó sẽ gầy yếu, buồn bã, u sầu, nằm nhà chờ chết chứ có ai như mình đâu. Hơn 2 tháng bị điều trị mà mình tăng 2kg liền. Trước thì không dám ăn vì sợ béo, chứ giờ chẳng sợ gì nữa, nên cứ ăn thôi.”
Thanh Hằng kể có đợt đến Đài truyền hình để phỏng vấn, nhưng không ai biết cô là khách mời. Nhiều người trong đoàn thắc mắc: “Khách mời đâu rồi, sao chưa thấy đến”. Lúc đó bạn biên tập viên mới chỉ vào Thanh Hằng và nói: “Bạn này này” làm cho MC sững sờ: “Bạn này á? Bạn này mà bị bệnh á? Không thể ngờ được”.
Hay như đợt 29 Tết vừa qua, cô và rất nhiều bệnh nhân khác vẫn phải ở lại viện điều trị, chưa được về nhà. Cô mua 2 cái mic hát karaoke rồi mang vào bệnh viện, hát những bản nhạc Xuân.
Lúc đó ai cũng thích, phần vì thấy có không khí Tết tràn ngập khắp bệnh viện, phần vì cô là giáo viên dạy nhạc nên hát hay, mọi người đứng cổ vũ nhiệt tình, khiến cho bệnh viện bớt u sầu, buồn bã.
Theo dự định, Thanh Hằng sẽ quay trở lại trường dạy học vào tháng 9/2017 vì “học sinh cứ nhắn tin hỏi thăm suốt, bảo nhớ cô lắm”. Cô cũng muốn dạy học để đỡ đần khoản chi phí điều trị đắt đỏ mà gia đình đang chi trả.
Nếu đến gặp và trò chuyện với cô gái này, chắc hẳn bạn sẽ thấy rằng nước mắt, sự yếu đuối và khó khăn mỗi ngày mà chúng ta gặp phải thật nhỏ bé làm sao.
Thay vì đắm chìm trong đau khổ, tuyệt vọng cô giáo trẻ Nguyễn Phạm Thanh Hằng lại chọn một cách sống khác, sống hết mình, làm hết mình, luôn lạc quan, yêu đời dẫu trước mắt là một tương lai có phần bấp bênh vì căn bệnh hiểm nghèo.
theo Trí Thức Trẻ