Gửi anh chị!. Những câu chuyện, những sự vật ta nhìn thấy với ánh mắt bao dung và xuất phát từ cái tâm trong sáng thì nó đem lại cho ta niềm vui và niềm hạnh phúc. Nếu ngược lại, ta nhìn hiện tượng mà ta kết án người khác sẽ làm tâm ta luôn đè nặng. Câu chuyện dưới đây em kể nó sẽ phần nào phản ánh điều đó. Chúc Anh chị 1 tuần vui vẻ
Câu chuyện:Sư thầy cõng cô gái trẻ đẹp qua sông
Một chú tiểu đi cùng với sư thầy của mình. Họ đến bên dòng sông nước chảy xiết. Một phụ nữ trẻ đẹp đang bước tới lui trên bờ sông, trông cô rất buồn.
“Có chuyện gì thế?”, sư thầy hỏi.
“Tôi lo lắng quá. Cha tôi đang ốm nặng, tôi cần băng qua sông để đến thăm cha nhưng cây cầu gãy rồi. Thầy có biết cây cầu tiếp theo nằm ở đâu không?”, cô gái đáp.
“Ồ, cách đây cả dặm cơ, nhưng đừng lo. Tôi có thể đưa cô qua sông”, sư thầy trả lời.
Cô gái cảm kích, chấp nhận sự giúp đỡ, và sư thầy cõng cô đi qua bờ sông bên kia, đặt cô xuống rồi chào từ biệt.
Chú tiểu rất bất bình trước chuyện vừa diễn ra. Chú biết nhà sư không được phép đụng chạm nữ giới, nên chú nổi giận vì sư thầy đã vi phạm giới luật. Chú cứ ấm ức giày vò vì chuyện này suốt đường đi. Cuối cùng, không chịu nổi nữa chú đành nói toạc ra với sư thầy.
Khi sư thầy nghe xong lý do khiến chú tiểu bực bội thì bật cười lớn. Thầy nói “Ta đã đặt người phụ nữ xuống khi sang đến bờ sông bên kia rồi, thế mà con vẫn còn cõng cô ấy à?”.
Suy ngẫm câu chuyện
Anh chị thân mến Tích truyện nhỏ này nhắc nhở chúng ta về sự buông bỏ tham ái – hãy đặt chúng xuống, không tiếp tục mang vác chúng nữa. Nó cũng dạy cho ta bài học trực quan sinh động rằng khi ta làm theo trái tim mình – không phải làm theo “khát khao” của mình – thì bản năng thâm hậu đích thực luôn chỉ dẫn ta về hướng cốt tinh của Phật pháp, tức là tâm từ… khiến cho đôi lúc chúng ta phải phá luật.
Nhưng đâu là điều đúng đắn cần làm: phá luật để thực hiện một hành động yêu thương với người lạ trong cơn nguy biến, hay tuân thủ luật định đúng sách vở và để mặc họ đau khổ? Làm theo tiếng nói nội tại – bản năng yêu thương – hay lắng nghe sự thúc giục “phải” và “buộc phải” bắt nguồn từ sự chỉ trích đáng sợ sâu thẳm bên trong ta?