Nội dung chính
Từ 1 đến 3 tuổi là giai đoạn phát triển mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Vì vậy cha mẹ không nên lơ là trong việc chọn lựa đồ chơi sao cho con nhỏ có thể phát triển toàn diện nhất.
Sau đây là một số gợi ý nho nhỏ khi lựa chọn đồ chơi cho bé trong giai đoạn phát triển quan trọng này.
1. Các trò chơi với hình khối
Chơi với các hình khối sẽ kích thích nhiều kỹ năng khác nhau của bé: kết hợp tay -mắt, học các khái niệm hình dạng, khái niệm trong – ngoài… Vậy cha mẹ nên bắt đầu cho bé chơi với các loại hình khối nào? Mẹ có thể chọn mua các đồ chơi gỗ với nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau, quan trọng là kích thước phải vừa tay để bé dễ dàng cầm được. Nên bắt đầu bằng các hình đơn giản như tròn, vuông, tam giác,… là tốt nhất.
Khi bé đã bắt đầu nhận biết được các hình dạng của đồ chơi, bạn có thể cho bé chơi trò phân loại hình: xếp đúng hình vuông vào ô hình vuông, đúng hình tròn vào ô hình tròn… Bằng cách này, bé sẽ học được khái niệm nguyên nhân – kết quả khi cho hình đúng vào ô tương ứng, hình sẽ lọt xuống dưới. Mẹ cũng có thể kết hợp vừa chơi chung, vừa nói chuyện để bé biết được tên của các khối hình cũng như màu sắc của chúng. Đối với các bé trên 2 tuổi, mẹ có thể cho bé chơi với các hình phức tạp hơn như hình ovan, hình bát giác.
3. Cưỡi xe đồ chơi, thú đồ chơi
Trẻ rất thích được tự đi chơi để chứng tỏ tính độc lập của mình. Cưỡi trên xe đồ chơi giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động, thăng bằng và phối hợp. Đây là những kỹ năng rất cần thiết cho trẻ sau này. Trẻ nhỏ hơn 3 tuổi chưa thể đạp xe, vì vậy trẻ thích chơi các đồ chơi với động cơ. Những đồ chơi giống thật như xe cảnh sát, xe cứu hỏa không những làm trẻ hứng thú mà còn kích thích trẻ phát triển khả năng tưởng tượng, nhập vai vào nhân vật.
Khi trẻ gần lên 3 là lúc đã có đủ kĩ năng phối hợp tay – chân – mắt để có thể tập đạp xe, lúc này mẹ có thể đầu tư cho bé chiếc xe đạp 3 bánh rồi đấy.
4. Bóng
Bóng là món đồ chơi tuyệt vời, không chỉ giúp bé tập thể dục mà sau mỗi lần chơi, bé sẽ ăn ngon và nhiều hơn nữa. Khoảng 2 tuổi, bé có thể chơi rất nhiều trò với bóng: ném, đá, chạy theo bóng. Khi bé đã chơi quen, bạn có thể vạch ra một cái gôn nho nhỏ và hướng dẫn bé đá bóng vào gôn. Bằng cách này, bé rèn khả năng kết hợp tay – chân – mắt rất hiệu quả. Ban đầu mẹ có thể làm chiếc gôn to một chút để bé không buồn khi chưa đưa được bóng vào gôn nhé.
5. Thú bông, búp bê
Mong muốn bé phát triển các kỹ năng về giao tiếp xã hội ngay từ khi con nhỏ là điều mà các ông bố bà mẹ quan tâm hàng đầu. Thú bông, búp bê là những “thành viên” giúp đỡ tuyệt với nhất trong vấn đề này. Thông qua thú bông, bạn có thể dạy bé hành động nào là đúng, hành động nào là tốt. Ví dụ như mẹ có thể nói “em Cún cảm ơn bạn Ti vì đã cho Cún ăn bánh chung” hay “em Mèo đang buồn, con hãy đội mũ cho em để em vui lên nhé”.
Không chỉ tăng kỹ năng về xã hội, bé còn được kích thích trí tưởng tượng khi tham gia các trò chơi với thú bông nữa. Lần tới khi bé chơi một mình, nếu để ý, bạn có thể nghe thấy bé nói chuyện với thú bông bằng những câu nói mà bạn đã dạy cho bé đó.