Người ta đang hét toáng lên về “tư duy triệu phú” hòng mong mỏi thế hệ trẻ giàu lên, nhưng thực chất họ đang đẩy đất nước vào chỗ nghèo nàn chán chường…
Họ đang thực sự hại dân, hại nước. Chả biết là vô tình hay là ăn phải bả của ai đó. Dù vô tình hay cố ý thì đã hại dân, hại nước là có tội. Đã có tội là phải xử. Khác là nếu vô ý thì xử nhẹ hơn thôi. Đào tạo, tuyên truyền là công cụ văn hóa mạnh nhất. Cần văn hóa hơn khi làm công tác văn hóa!
Sự nhai lại thiếu văn hóa
Đâu đâu cũng “tư duy triệu phú”, “cơn bão triệu phú”, “ai là triệu phú”… Điều này khiến người ngoài nhìn vào nghĩ chúng ta thèm tiền kinh khủng. Tiền mới là mục tiêu số 1 của những con người này, của đất nước này, chứ không phải là các giá trị khác.
Nhục một nỗi, ngay cả chỉ vì tiền mà đặt mục tiêu triệu phú, xét về phương pháp tư duy, thì chỉ có nước ăn cám!
TS Phan Quốc Việt |
Những người đang hét toáng về cách trở thành triệu phú hòng mong mỏi thế hệ trẻ giàu lên, nhưng thực chất họ đang đẩy đất nước vào chỗ nghèo nàn chán chường. Họ đang thực sự hại dân, hại nước. Chả biết là vô tình hay là ăn phải bả của ai đó. Dù vô tình hay cố ý thì đã hại dân, hại nước là có tội. Đã có tội là phải xử. Khác là nếu cố ý thì xử nặng hơn thôi.
Chúng ta phải biết trong tiềm thức người Việt “triệu phú” là 2 tờ 500.000VNĐ. Cả nước này ai chả có 2 tờ 500.000VNĐ. Hơn thế, nếu nói đấy là 10.000 tờ 100VNĐ, thì chả ai lại phấn đấu, dấn thân vì những tờ 100VNĐ cả. Chúng ta phải biết rằng thân thể chỉ thực thi khi tiềm thức phấn khích. Chả ai phấn khích khi phải dấn thân, phải đổi đời để có những tờ 100VNĐ. 100VNĐ và 100USD có tác động hoàn toàn khác nhau.
Đi đâu người ta cũng nói về “Tư duy triệu phú” |
Thực sự đây là một sự nhai lại vô văn hóa. Hành vi con người phụ thuộc vào văn hóa. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Phương Tây ai cũng hiểu “triệu phú” là 10.000 tờ 100USD, khác xa 2 tờ 500.000VND. Đừng copy nguyên xi văn hóa phương Tây bắt người Việt xài. Bạn thử bắt bà con miền quê hàng ngày không được ăn cơm bằng đũa mà phải ăn khoai tây bằng nĩa! Ăn chửi liền.
Hơn nữa, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Đầu thế kỷ 20 người Mĩ nói về triệu phú. Bây giờ người ta quan tâm đến tỷ phú. Forbes 500 là 500 tỷ phú USD. Chả thấy đâu nói đến danh sách triệu phú nữa. Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, là tỷ phú năm 23 tuổi. Ngay ở Việt Nam thôi, chỉ cần thay đổi qui hoạch, làm đường… thì đã rất nhiều người nông dân nghèo chỉ qua một đêm đã thành triệu phú USD.
Dịch tứ đừng dịch từ
“Xem ý hiểu tứ”. Dịch tứ đừng dịch từ. Ít nhất thì cũng nên nói là “Tư duy tỷ phú”. Thì dù là USD hay VNĐ cũng đều có cảm xúc nhất định. Còn không hãy dùng là tư duy thịnh vượng. Chỉ có cảm xúc mới thúc đẩy hành vi. Từ tư duy đến hành vi là cả một chặng đường nữa. Phải hiểu kỹ về văn hóa khi tuyên truyền, giáo dục. Nên “thấu hiểu địa phương” để mà truyền thông cho trúng. Nếu không hiểu, chúng ta một cách vô tình đang nghèo hèn hóa dân tộc, làm hại đất nước, hội nhập kiểu hòa tan dân tộc.
Khoa học NLP – Lập trình ngôn ngữ Nơron chỉ ra rằng chúng ta hành động đúng với cách được lập trình trong tiềm thức (phản xạ có điều kiện). Hãy nhớ người Việt được lập trình, phản xạ khi nghe từ “triệu phú” là:
Triệu phú = 10.000 tờ 100VNĐ = 100 tờ 10.000VNĐ = 2 tờ 500.000VNĐ.
Liệu có ai dấn thân đổi đời, từ bỏ rất nhiều thứ, hao tâm tổn trí chỉ vì những tờ 100VNĐ.
iền chỉ là hệ quả của sự phụng sự chứ không phải là mục đích của cuộc sống… |
Chúng ta cũng cần hiểu rằng đào tạo và tuyên truyền quyết định tương lai của đất nước. Tương lai của một đất nước, cuộc sống của một con người không phải chỉ là tiền & tiền. Tiền chỉ là hệ quả của sự phụng sự chứ không phải là mục đích của cuộc sống, của đời người.
Cũng cần hiểu thêm rằng, sự thịnh vượng, tài sản, sự giàu có của một con người gồm 3 thành tố: Tiền tệ, quan hệ & năng lực cá nhân. Tiền tệ chỉ là 1 phần rất nhỏ của tài sản con người cũng như của đất nước, đúng như bia Văn Miếu Quốc Tử Giám còn ghi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Hiền tài, nguyên khí quốc gia vừa là khát vọng, vừa là sức sống của mỗi người dân vừa là hào khí dân tộc. Điều này thật hiển nhiên ở các cường quốc Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Họ chả có tài nguyên gì đáng kể mà vẫn dẫn đầu trong kinh tế. Cái lớn nhất họ có là năng lực của công dân, là thái độ, là ý chí của lãnh đạo.
Chính sách của mọi quốc gia, của mọi nhà nước đều là nâng cao năng lực cạnh tranh của con người. Nước ta cũng vậy, đâu đâu cũng nói về năng lực con người. Tuy vậy, ít người hiểu rõ năng lực con người gồm những gì để mà nâng cao!
Năng lực con người gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó thái độ là quan trọng nhất. Nguyễn Du khẳng định “có tài mà cậy chi tài”, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Thái độ chiếm 75%, tài gồm kiến thức và kỹ năng chỉ 25%. Chắc là trong tài năng ấy còn có cả tiền tài. Tiền chỉ là hệ quả của ý chí, của thái độ, của kỹ năng. Tiền dễ đến và dễ đi. Biết bao đại gia chứng khoán, bất động sản… giàu lên bất ngờ và vào tù, tan cửa nát nhà cũng bất ngờ không kém. Biết bao gia đình chỉ vì qui hoạch và đền bù mà giàu lên rất nhanh rồi cha và con cùng nghiện ngập rồi tan cửa nát nhà, cùng kéo nhau vào tù.
Năng lực con người mới là thiết yếu. Năng lực là cái còn thiếu khi ta có tất cả, là cái còn lại khi ta mất hết. Gạo tiền bao nhiêu tiêu cũng hết, ý chí kiên cường mỏ kim cương. Ông cha ta khẳng định “có chí làm quan, có gan làm giàu”. Hãy đặt tiền, tài và thái độ đúng vị trí của nó trong nền giáo dục nước nhà. Phải chăng nên để “tư duy triệu phú” là “tư duy tỷ phú”. Dù có là “tư duy tỉ phú” thì cũng chỉ nên xem đó chỉ là một phần nhỏ của tâm thế thịnh vượng, nhân cách giàu sang!
TS Phan Quốc Việt