Đám cưới là một nghi lễ không thể thiếu tại bất kỳ quốc nào trên thế giới. Tùy thuộc vào phong tục tập quán của mỗi nước, mỗi vùng miền mà ở đó người ta có những cách tổ chức lễ cưới khác nhau và văn hóa tặng quà cưới cũng vì thế mà khác nhau.
Hãy cùng xem Văn Hóa tặng quà cưới ở các nước trên thế giới như thế nào nhé.
Nội dung chính
Tập quán tặng quà cưới của các nước
Tặng quà cho các đôi tân lang tân nương là truyền thống ở hầu hết các nước trên thế giới từ xưa đến nay. Ngày xưa, khi đồng tiền chưa thể hiện quyền lực của nó như bây giờ, người ta mừng cưới bằng các hiện vật thiết thực.
Vùng Trung Á
Ở vùng Trung Á, người ta tặng gia súc cho cô dâu chú rể để chúc cho cuộc sống ấm no.
Các nước đạo Hồi
Tại các nước đạo Hồi, người ta thường tặng cô dâu những tấm vải gấm lụa để chúc cho cuộc sống mới sẽ hạnh phúc trải đầy nhung lụa.
Nhật Bản
Trong xã hội hiện đại ngày nay, tặng quà cưới bằng tiền mặt phổ biến ở hầu hết các nước. Người Nhật gọi phong bì mừng cưới là Oshugi, nếu là bạn thân của cô dâu hoặc chú rể thì số tiền mừng vào khoảng 30.000 yen (250 USD).
Nếu không tặng Oshugi thì có thể là một chậu bonsai đại diện cho sự gắn kết và trường tồn, hoặc búp bê Daruma là biểu tượng của sự may mắn hay các thẻ đi ăn ở các nhà hàng sushi, hibachi nổi tiếng.
Văn hóa tặng quà cưới tại Việt Nam
Còn ở Việt Nam ta, đám cưới ngày xưa thường tặng nhau thau, chậu nhôm là quý, vỏ gối thêu tay, nón lá, phích nước…
Còn ngày nay thì bạn sẽ chẳng bất ngờ khi thấy thùng đựng phong bì đặt sẵn ở bàn tiệc cưới để khách bỏ phong bì vào 1 cách tự nhiên.
Nga, Ý
ở Nga, một người đại diện sẽ cầm chiếc khay đi từng bàn nhận tiền mừng cưới. Còn người Ý tinh tế hơn ở chỗ cô dâu chú rể phải tặng khách đến dự cưới những món quà nhỏ trước khi họ ra về. Ví dụ như hộp đựng nữ trang, hộp đựng nến… có in tên và ngày cưới của họ hay một CD nhạc mà cô dâu chú rể tuyển chọn để mỗi lần nhìn lại, mọi người sẽ nhớ đến ngày vui này.
Tây Âu
Bên phương Tây, tiền là sự lựa chọn phổ biến. Vì nhiều đôi vợ chồng cưới nhau sau một thời gian đã sống chung nên họ đã có đủ vật dụng phục vụ cuộc sống, không cần những thứ quà tặng như vậy nữa. Có nhiều đôi trẻ muốn tiền vì họ thích góp để mua thứ to tát hơn như nhà hay xe hơi, hoặc trả học phí học nốt đại học hay muốn có một tuần trăng mật hoành tráng.
Nếu muốn quà là hiện vật thì cách thức tặng và nhận quà của người phương Tây cũng rất thực dụng. Trước khi cưới, đôi trẻ lên một danh sách những đồ vật cần nhận (chủng loại, số lượng, xuất xứ…) rồi gửi danh sách này cùng với danh sách khách được mời đến dự lễ cưới của họ (tên, địa chỉ, số điện thoại…) cho một công ty chuyên phục vụ lễ cưới.
Công ty này có trách nhiệm liên hệ với các hãng bán lẻ để tìm nguồn hàng, tiếp đó họ sẽ gửi danh sách cùng với giá của các món đồ đến nhà từng vị khách được mời dự tiệc cưới (tất nhiên danh sách này không thể đến cùng ngày với thiệp cưới từ cô dâu chú rể). Công ty sẽ đảm bảo rằng từng món đồ đúng theo yêu cầu của cô dâu chú rể. Nếu số quà trong danh mục hết thì khách sẽ đến dự cưới với phong bì tiền.
Vậy nên tặng quà hay phong bì mừng đám cưới ?
Bàn về quà tặng đám cưới không thể không nhắc đến chuyện tặng quà hay “phong bì” ?
Đây là vấn đề khá nhạy cảm vì đối với nhiều người món quà cưới hay độ “nặng” của phong bì sẽ quyết định đến mức độ tình cảm thân thích của khách mời và gia đình cô dâu chú rể.
Đối với một số người nó là chuyện tình cảm bình thường có đi có lại, với một số người khác nó là món nợ, đối với một số khác nữa nó là sự ngao ngán…
Không ít người có suy nghĩ tặng phong bì mừng đám cưới là thiết thực nhất, nhanh nhất cần gì phải suy nghĩ đắn đo tìm mua quà cưới làm gì cho đau đầu. Nhưng đấy là khi họ chưa thực sự hiểu được ý nghĩa sâu sắc của quà cưới.
Món quà cưới mà bạn bỏ công sức và thời gian tìm mua để dành tặng cô dâu chú rể là món quà cưới ý nghĩa hơn tất cả vì nó chứa đựng tất cả tấm lòng và những lời nguyện cầu chúc phúc tốt đẹp nhất mà bạn muốn dành cho đám cưới của bạn bè người thân. Dù cho món quà cưới có giá trị nhỏ lớn thế nào nhưng cũng sẽ là thứ đẹp đẽ và đáng được trân quý nhất.