Cách chọn đồ chơi cho trẻ theo độ tuổi

Những chuyên gia về tâm lý trẻ em cho biết rằng việc chọn đồ chơi đúng cho trẻ là cả một nghệ thuật. Patricia Koh, hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư nhân, nói: “Đồ chơi là những công cụ giúp trẻ em bắt đầu làm quen với việc chơi đùa, gia tăng những kỹ năng tự nhiên ở chúng rồi từ đó nâng cao trí tưởng tượng cho các bé.”

Từ 0 đến 1 tuổi: Học khám phá và cử động

Đặc điểm lứa tuổi:

Cheryl Chia, giám đốc quản lý trang web Kidzgrow.com, một kênh thông tin trực tuyến giúp các bậc cha mẹ theo dõi quá trình phát triển của con mình cho biết, trẻ em dưới 1 tuổi tập trung phát triển thị giác và khả năng thăng bằng cơ thể, cũng như cách phối hợp giữa tay và mắt.

Patricia đồng tình: “Đây là lứa tuổi của sự vận động với thỏa mãn và thích thú khi bé được tiếp xúc với mọi người xung quanh. Phần lớn những trò bé chơi trong giai đoạn này đều liên quan đến sự chuyển động: kéo, đẩy, ném, nắm, đánh hay gõ lên một vật gì đó”. Khi đã có thề kiểm soát được khả năng vận động cân bằng rồi, bé sẽ nhận ra rằng quả banh thì xoay tròn trong khi chiếc trống lục lạc sẽ phát ra những âm thanh rất ồn ào.

Đây cũng là thời điểm bé từ từ khám phá ra những giác quan của mình, Cara Wong – giám đốc điều hành Growing Fun – nhận định: “Những món đồ chơi có kết cấu, ví như sách hoặc những khối xếp hình, rất phổ biến vì chúng kích thích các giác quan và cũng dễ chùi rửa”.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời kỳ bé phát triển răng nướu, bé mọc những chiếc răng đầu tiên gây ngứa lợi khiến bé có thể có những phản xạ tự nhiên như đưa tay hay các vật trên tay vào miệng. Do đó các loại đồ chơi tốt cho răng nướu và giúp kích thích các giác quan của bé là một sự lựa chọn tuyệt vời.

Đồ chơi thích hợp:

–    Thẻ màu phản quang với những màu sắc đối lập nhau, điển hình nhất là đen – đỏ – trắng. Bé chỉ có thể nhận diện đủ các màu sau từ 6 đến 7 tháng.

–    Trống lục lạc nhằm khuyến khích cử động tay chân. Chẳng hạn như một chiếc lục lạc treo vào chân sẽ giúp làm chắc cơ bụng đồng thời kích thích bé phối hợp cả tay khi chơi với chân của mình.

–    Những tấm đệm lót nhiều màu sắc sẽ giúp bé có nhiều thời gian luyện tập khả năng thăng bằng cơ thể mình bằng cách thử lăn, bò trườn trên đó.

–    Những quyển sách lớn nhiều hình ảnh, màu sắc.

–    Đồ chơi bằng vải, lụa.

–     Đồ chơi gặm nướu.



Từ 1 đến 2 tuổi: Phát triển cá tính và nhận thức

Đặc điểm lứa tuổi:

Ở tuổi này, trẻ bắt đầu hiểu ra những gì đang diễn ra xung quanh mình. Bên cạnh việc củng cố thêm những khả năng vận động cơ thể, Cheryl còn cho biết trẻ đồng thời cũng tập tành để nói. Cũng trong giai đoạn này bé bắt đầu nhận thức được “cái tôi” của chính mình. Cara, công ty Growing Fun, nói: “Đây là thời điểm bé bắt đầu phát triển cá tính của riêng mình, bắt đầu học biết những thứ như “mình là con trai”, “mình có thể sờ, đụng này!”, “mình thích điều này”…

Cô còn cho biết rằng những món đồ chơi phổ biến thường là tranh xếp hình đơn giản, có thể chỉ 2 – 3 miếng ghép sẽ mê hoặc được bé và giúp bé tập thói quen chú tâm lâu hơn lúc trước. Cara thêm vào: “Con rối cũng rất hữu hiệu khi dùng để kể chuyện và giúp trí tưởng tượng của bé thăng hoa.”

Đồ chơi thích hợp:

–    Những quả banh nhỏ cho bé ném, chụp và đá.

–    Đồ chơi đòi hỏi bàn tay khéo léo như những khối xếp hình nhỏ đòi hỏi phải sắp xếp, hay bút chì sáp không độc hại – bạn biết không, bé đã có thể bắt đầu thử vẽ nguệch ngoạc ngay từ lúc 10-13 tháng tuổi thôi đấy!

–    Tranh ghép hình đơn giản (2-3 mảnh ghép).

–    Quyển sách bìa cứng với những giai điệu và bài hát kèm theo có thể khuyến khích thói quen ham đọc sách và thắt chặt thêm tình cảm giữa cha/mẹ và bé.

–    Những món đồ chơi minh họa quan hệ nguyên nhân – kết quả. Chẳng hạn như, khi bạn ấn vào một cái nút thì những khối hình sẽ xuất hiện trước mắt bé.



Từ 2 đến 3 tuổi: phát triển ngôn ngữ và sự ham học hỏi, muốn khám phá



Đặc điểm lứa tuổi:

Đây chính là lúc con bạn bắt đầu biết sử dụng những từ ngữ khác nhau để thể hiện ra suy nghĩ của mình. Hãy nuôi dưỡng khả năng ngôn ngữ của bé bằng cách đọc sách cho bé nghe, chia sẻ nhiều câu chuyện với bé cũng là việc làm rất cần thiết. Patricia nói: “Đây là bước phát triển bé sẽ chuyển từ một đứa trẻ nhỏ thành một cá thể có suy nghĩ, quan niệm và ý chí của riêng mình. Trớ trêu thay, chính đặc tính đó cũng làm cho một đứa bé 2 tuổi có tâm lý rất lộn xộn, nhưng tất cả những gì mà bé muốn chỉ là khám phá ra cách vận hành của thế giới chung quanh và chính bé có thể tham gia vào đó như thế nào.”

Khả năng vận động của cơ thể cũng được cải thiện đến mức bé sẽ yêu thích việc mở ra và đóng lại một thứ gì đó, bỏ vào rồi lấy ra, xé toạc, vẽ vời hay xây dựng. “Bởi sự ham học hỏi rất tự nhiên, trẻ ở lứa tuổi này thường thích thú với những món đồ chơi có thể tháo rời ra, sửa chữa, xáo trộn và nối chúng lại”, Patricia cung cấp thêm.

Đây cũng là lúc bắt đầu phân biệt cách chơi giữa con trai và con gái rất rõ ràng. Cara nói bé trai dễ bị hấp dẫn bởi những chiếc xe hơi hay đoàn tàu hoả bởi “bẩm sinh con trai có xu hướng thiên về những món đồ cơ khí”. Con gái thì nhiều cảm xúc hơn, sẽ quan tâm đến những món đồ chơi mềm mại. Nhưng cô ấy lại cho rằng cũng tốt nếu bạn thử cân bằng giữa 2 giới qua việc cho chúng chơi đồ chơi của phái kia, ví như đưa cho bé gái món đồ chơi xây dựng và chú gấu bông Teddy cho bé trai.

Đồ chơi thích hợp:

–    Bộ trò chơi xây dựng.

–    Đồ chơi với nhiều mảnh có thể gắn vào nhau

Từ 3 đến 6 tuổi: phát triển thể chất, tư duy, khả năng sáng tạo, hình thành nhân cách, quan niệm, ý thức xã hội

Đặc điểm lứa tuổi: 

Giai đoạn từ 3-6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng sẽ hình thành những quan niệm, ý thức đầu tiên về cuộc sống, xã hội và con người. Vì vậy, việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ vừa phải mang tính giáo dục, giúp trẻ hình thành tư duy nhân cách, vừa phải tạo hứng thú cho trẻ khi chơi.

Đồ chơi thích hợp:

– bàn trượt có bánh xe, xe đạp ba bánh, diều, bóng.

– Đồ chơi giúp trẻ xây dựng tình yêu thương và các quan hệ xã hội: búp bê, thú nhồi bông, những bộ đồ chơi mô hình lắp ghép: nhà cửa, trang trại, bệnh viện, trường học… sẽ giúp trẻ làm quen và hiểu biết thêm về thế giới xung quanh.

– Đồ chơi giúp trẻ phát triển tư duy và khả năng sáng tạo: đất nặn, màu vẽ, vở tập tô, bộ xếp hình, tranh ghép, mô hình lắp ghép ôtô, xe máy, máy bay, thẻ học thông minh…

– Đồ chơi giúp trẻ nhận biết về giới tính: Trẻ từ 3 – 6 tuổi đãý thức được giới tính của mình nên các bậc cha mẹ chú ý lựa chọn cho con mình những đồ chơi phù hợp với tâm lí và giới tính.

Leave a Reply

Đánh giá*

Your email address will not be published. Required fields are marked *